Đây là một trong những nội dung chính mà các tỉnh thành đề xuất với Sở Công Thương TP.HCM tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NNPTNT với các tỉnh thành phía Nam tổ chức chiều ngày 19/7 về thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 ở các tỉnh thành phía Nam.
Theo ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, hiện nhu cầu của thành phố đang thiếu 1.500 tấn rau củ, 300.000 - 400.000 quả trứng/ngày do nguồn cung ứng bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết, tỉnh nằm cách xa TP.HCM. Muốn đưa nông sản lên TP.HCM phải qua nhiều tỉnh thành.
Trong khi mỗi tỉnh vẫn duy trì các cách kiểm soát khác nhau. Cần thống nhất quy trình giữa các địa phương, và TP.HCM nên thống nhất điểm giao nhận với các tỉnh
Đồng tình, ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cũng cho rằng nếu TP.HCM có giải pháp nhập hàng một cách thống nhất sẽ giải quyết được nhiêu vấn đề.
TP.HCM đề nghị các tỉnh cung cấp đầu mối nhưng các rất khó thu mua được nông sản như trước.
"Cần phải có đơn vị kết nối giữa chính quyền các địa phương với nhau. Sau đó doanh nghiệp từ TP.HCM xuống thu mua sẽ dễ dàng hơn. Điều này thuân lợi cho cả 2 bên", ông Thiện nói.
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, sắp tới tỉnh dự kiến thu hoạch 20.000 tấn rau, 80.000 tấn lúa. Tây Ninh vẫn đảm bảo được nguồn cung cho TP.HCM và các tỉnh lân cận
Tuy nhiên, nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành trong thời gian ngắn, khiến mỗi nơi duy trì mỗi cách hiểu khác nhau trong triển khai.
Ông Xuân kể, trên địa bàn tỉnh có một donah nghiệp cung ứng mỗi ngày 1,5 triệu quả trứng gia cầm về TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Việc vận chuyển khó khăn, doanh nghiệp đã xin cấp thẻ vào luồng xanh. Nhưng muốn vào luồng xanh phải là xe vận tải chuyên nghiệp, của công ty vận tải. Còn công ty đang sử dụng xe của đơn vị sản xuất trứng nên không được cấp.
Trong khi mọi người đang rất cần nguồn thực phẩm này. Bằng nhiều cách khác, doanh nghiệp đó vẫn cung ứng được trứng gia cầm nhưng phải qua nhiều công đoạn, tốn kém nhiều thời gian, công sức.
"Điều này làm giảm nhịp độ giao hàng cho thành phố, tăng giá thành do tăng chi phí vận chuyển lên đôi khi không cần thiết", ông Xuân đánh giá.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, khi thực hiện Chỉ thị 16, các doanh nghiệp thu mua nông sản ở các tỉnh ĐBSCL gặp nhiều khó khăn.
Nhiều huyện, xã không có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp thu mua thế nào. Khâu thu mua của nhiều doanh nghiệp gần như tê liệt.
Với các vùng bị phong tỏa, thương lái khó vào thu mua, người dân khó thu hoạch. Sản phẩm làm ra thi khó tiêu thụ. Vì thế người dân đã có tâm lý không chăm sóc cây trồng.
Sau dịch, nguồn sản phẩm chất lượng cao sẽ thiếu hụt. Đây là vân đề doanh nghiệp đang lo lắng.
Ông Tùng đề nghị các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, thống nhất giữa các địa phương vì doanh nghiệp thu mua mỗi tỉnh mỗi mặt hàng khác nhau.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá, các địa phương hiện nay phải thực hiện 2 nhiệm vụ chính: Vừa cung ứng sản phẩm cho từng tỉnh trong điều kiện giãn cách vừa hỗ trợ cho TP.HCM.
Việc hỗ trợ luân chuyển hàng hóa phải phải đảm bảo tốt không chỉ thực phẩm mà còn cả vật tư đầu vào để phục vụ sản xuất các tháng tiếp theo.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất, Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh thành phía Nam trong suốt thời gian giãn cách để tìm cách tháo gỡ khó khăn; từ việc tổ chức điểm trung chuyển cho các tỉnh với TP.HCM cho tới đề xuất mở lại các chợ truyền thống.
Theo báo cáo từ Sở NNPTNT các tỉnh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết việc sản xuất vẫn ổn định là đáng mừng. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh theo dõi trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu hàng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các tỉnh thành cần phối hợp xây dựng các chuỗi an toàn để nông sản vào TP.HCM, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn cho thực phẩm; cần quan tâm đến các cơ sở giết mổ, đóng gói, chế biến vì 1 cơ sở đóng cửa thì có khi cả chuỗi cung ứng bị đứt gãy.