Dân Việt

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16: Giá lúa hè thu ở ĐBSCL giảm, nông dân lo lắng đủ kiểu

Huỳnh Xây - Duy Khánh 20/07/2021 16:06 GMT+7
Ngoài năng suất thấp và giá lúa giảm trong vụ hè thu, nhà nông ở ĐBSCL còn gặp khó khăn trong việc tìm thương lái thu mua khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Hôm nay 20/7, thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Toàn tỉnh có trên 187.200 ha diện tích lúa hè thu năm 2021.

Hiện nay, phần lớn các trà lúa đang trong giai đoạn thu hoạch, tập trung ở các địa phương như: Tân Hồng, Thanh Bình, Tam Nông.

Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16: Giá lúa hè thu giảm ở ĐBSCL, nông dân lo lắng đủ kiểu - Ảnh 1.

Ngoài năng suất thấp và giá lúa giảm trong vụ hè thu, người dân ở ĐBSCL còn gặp khó khăn trong việc tìm thương lái thu mua khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Huỳnh Xây.

Từ thông tin trên, theo phóng viên tìm hiểu, hiện giá lúa hè thu giảm ở hầu hết tất cả các giống lúa. 

Cụ thể: Các thương lái mua lúa chất lượng cao tại ruộng 6.000 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg so với tháng trước); giá lúa thường IR 50404 là 4.800 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg so với tuần trước và giảm 400 đồng/kg so với tháng trước).

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng, vụ hè thu này, người dân trên địa bàn huyện xuống giống trên 23.500ha.

Hiện bà con nông dân các xã đang bước vào vụ thu hoạch lúa. Các thương lái đến địa phương phải thực hiện theo hướng dẫn của ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Mặc dù thu hoạch thuận lợi nhưng một số nông dân cho biết, ngoài giá bán giảm, năng suất lúa cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước, từ đó lợi nhuận ít.

"Vụ lúa hè thu này năng suất thấp lắm, chỉ từ 5,5 - 6 tấn/ha, còn giá bán đầu vụ thì đỡ, chứ bây giờ thì khó khăn hơn. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh" - ông Lê Minh Hải ở xã Bình Phú, huyện Tân Hồng nói.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có trường hợp doanh nghiệp, khách hàng ngoài tỉnh không đến tỉnh Đồng Tháp thu mua lúa gạo trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

"Hiện nay, HTX còn trên 20 tấn lúa trong kho chưa bán được. Rất may là lúa có thể bảo quản trong thời gian dài được" - ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc HTX giống nông nghiệp Định An (xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho hay.

Ông Dũng nói thêm: "Tôi đang tập trung bán gạo qua mạng internet nhưng cũng không ai nhận nữa rồi. Thông qua các thương lái và "cò lúa", tôi biết được giá lúa và cả giá gạo ở địa phương đều giảm".

Tỉnh An Giang cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa hè thu 2021. Vụ này, tỉnh An Giang có trên 228.400 ha, theo kế hoạch, trong tháng 7 sẽ thu hoạch trên 70.900ha; tháng 8 sẽ thu hoạch 105.420ha; tháng 9 sẽ thu hoạch 32.972ha, với tổng sản lượng lúa cần tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn.

Anh Trần Thanh Danh có 2,5 ha lúa hè thu ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, do tình hình dịch Covid-19, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên thương lái khó khăn vào ruộng mua lúa.

Theo anh Danh, khoảng 10 ngày nữa lúa anh tới ngày thu hoạch. Do đó, anh cùng một số bạn bè tìm thương lái thu mua nhưng vẫn chưa tìm được.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thì cho biết, ông có hơn 10ha trồng lúa OM18 đang giai đoạn trổ bông nhưng thương lái không đến đặt cọc mua. Do năng suất giảm khoảng 30% so với lúa đông xuân và không biết giá cả như nào nên ông rất lo lắng.

Không riêng gì Đồng Tháp, An Giang, các địa phương khác ở ĐBSCL như Kiên Giang, Vĩnh Long...giá lúa cũng đang giảm. 

Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong thu mua, vận chuyển, còn do mặt bằng thị trường gạo thế giới giảm, một số doanh nghiệp trong nước nhập khẩu gạo cấp thấp của Ấn Độ ngay thời điểm ĐBSCL đang thu hoạch...