Câu chuyện thoát nghèo của ông Phùng Văn Khoa (xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn) là một điển hình về sử dụng vốn chính sách thoát nghèo hiệu quả. Cách đây 5 năm, gia đình ông Khoa được vay 40 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo. Có vốn ông Khoa bắt tay vào phát triển chăn nuôi, trồng chè, trồng cây lâm nghiệp trên diện tích gần 2ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu ông Khoa phát triển mạnh đàn gia cầm, đàn lợn, về sau chuyển sang thâm canh chè chất lượng cao kết hợp với chế biến.
Hết chu kỳ vay hộ nghèo, ông Khoa tiếp tục được vay vốn cho hộ mới thoát nghèo, cộng với các khoản dành dụm tích cóp được, ông mở rộng diện tích chè lên gấp đôi, thay thế các diện tích chè cằn xấu, đưa năng suất chè búp tươi lên đạt trên 10 tấn/ha, đồng thời mua máy vò, máy sao về sản xuất chè xanh và làm dịch vụ sơ chế chè phục vụ nhân dân. Trừ chi phí mỗi năm ông Khoa có nguồn thu 120-150 triệu đồng.
Song song với tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ cũng chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Theo đó, cùng với giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn đối với khách hàng, ngân hàng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn… Nhờ đó, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, chấp hành tốt trách nhiệm trả nợ.
Được vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH, gia đình ông Hà Văn Nhất (dân tộc Mường, ở thôn Chiềng 2, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn) đã gây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp bao gồm đàn trâu 8 con, rừng keo 4ha phủ kín cả quả đồi, vườn cây ăn quả chanh leo, hồng không hạt sai trĩu cành, hàng năm thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng.
Ông Hà Ngọc Tín - Bí thư Đảng ủy xã Kim Thượng cho biết: Kim Thượng là xã đặc biệt khó khăn với 91% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khoảng 10 năm trước còn 5/7 thôn, bản ở xã chưa có điện thắp sáng, không có đường cho ôtô vào, vậy mà được Ngân hàng CSXH huyện chuyển vốn về tận điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã suốt 19 năm ròng rã cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư cho con em ăn học...
"Nhiều năm nay, người Nùng, người Dao ở xã Kim Thượng được vay vốn Ngân hàng CSXH thuận lợi, kịp thời vụ. Hiện dư nợ vốn vay Ngân hàng CSXH trên địa bàn xã đạt hơn 38 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Kim Thượng từ 57% cuối năm 2014 xuống còn 19% cuối năm 2020"- ông Tín cho biết.
Bám bản, bám làng chuyển tải vốn
Cùng với gia đình ông Khoa, rất nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tân Sơn được tiếp cận vay vốn tín dụng CSXH đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, khá giả.
Được biết, suốt thời gian qua, kể cả 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát lại và diễn biến phức tạp, nhưng những cán bộ tín dụng chính sách ở huyện Tân Sơn đã không quản ngại gian nan thử thách, kiên trì bám bản, làng, chuyển tải đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có vốn làm ăn phát triển kinh tế.
Ông Tăng Tiến Sỹ - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn cho biết, 5 năm qua, huyện Tân Sơn đã có trên 16.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng. Qua đó, đã giúp cho gần 4.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ xây dựng được 250 căn nhà cho hộ nghèo; giúp trên 550 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề.
Hiện, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn trên 4.400 tỷ đồng; số khách hàng còn dư nợ trên 115.000 người, bình quân dư nợ đạt 38,37 triệu đồng/khách hàng.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng vay vốn, Ngân hàng CSXH các cấp đã và đang ủy thác thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...