12.000 con ba ba được thả nuôi trên 1ha đất, với diện tích đất khiêm tốn này nhưng lại tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Đó là câu chuyện của anh nông dân Nguyễn Tùng Lâm, ngụ xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang).
Với kinh nghiệm 10 năm nuôi ba ba, anh Lâm đã tự làm nơi cho ba ba đẻ trứng, thu hoạch trứng và ấp con giống để bán. Hiện tại anh Lâm có khoảng 1.000 con ba ba bố mẹ để phối giống sinh sản, 11.000 con ba ba thịt để bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề nuôi ba ba, anh Lâm cho biết: “Làm ruộng thì mình không rành, không có đường nước, bơm tát vùng đất này lại khó khăn nên không trúng. Tình cờ đi nơi khác chơi tôi thấy mô hình nuôi ba ba tôi thích quá nên đã thử thay đổi”.
Với sự quyết đoán này anh Lâm đã thay đổi cuộc đời mình, xây dựng kinh tế khá giả. Ban đầu, anh mua 1.000 con giống về nuôi nhưng hao hụt lớn, thiếu kỹ thuật nên chưa thành công. Không từ bỏ, anh tiếp tục thử sức và kiên trì học hỏi cách nuôi ba ba qua sách báo, người quen, đến nay hiệu quả ngoài mong đợi.
Không những làm giàu từ bán ba ba thịt anh Lâm còn tích lũy kinh nghiệm dày dặn cho bản thân về kỹ thuật cho ba ba sinh sản để bán giống. Nhờ đó, nguồn thu từ việc bán con giống anh đưa sang mua thức ăn để nuôi ba ba thịt nên nguồn vốn luôn được xoay vòng.
Mỗi buổi sáng, anh Lâm nhặt khoảng 500 trứng ba ba mang về ủ trong cát để ấp giống. Anh Lâm cho biết: "Trứng ba ba ủ khoảng 45 ngày sẽ nở, được đem ra môi trường ngoài và cho ăn đến khoảng hơn 20 ngày thì có thể bán. Ba ba làm giống thời gian nuôi phải từ 2 năm trở lên lấy trứng mới đạt hiệu quả, ba ba chưa đủ năm vẫn đẻ trứng nhưng tạo ra con giống không tốt".
Mỗi tháng, anh Lâm bán ra khoảng 5.000 con ba ba giống với giá 4 ngàn đồng/con. Vì mô hình nuôi của anh Lâm đạt hiệu quả cao mà đầu tư thì thấp nên khoảng hơn 50 hộ đã học theo anh và bước đầu hiệu quả. Bình quân thời gian nuôi trên 18 tháng thì ba ba có thể đạt trọng lượng trên 1,5kg, với giá bán loại 1 hiện nay dao động khoảng trên dưới 300 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa (huyện Gò Quao, Kiên Giang) cho biết, nông dân ở địa phương trước đây quen thuộc việc trồng lúa nên để họ thay đổi không phải dễ dàng.
Riêng hộ anh Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi cây trồng làm giàu từ con ba ba cũng là tấm gương cho nhiều hộ noi theo.
Ông Khánh cho biết thêm: “Hội Nông dân cũng cố gắng tìm các nguồn vốn vay, tạo mọi điều kiện cho các hộ để giúp nông dân có điều kiện sản xuất. Ngoài ra xã cũng đang hướng tới việc hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm của nông dân để nâng tầm giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế địa phương và góp phần cho xây dựng nông thôn mới nâng cao”.
Việc thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng đã thật sự hiệu quả mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Hòa cho biết: “Trong năm 2020 ban quản lý nông thôn mới xã đã rà soát đánh giá các tiêu chí của Ủy ban nhân dân tỉnh đến nay xã đạt 19/19 tiêu chí. Việc xã đang làm tiếp theo là nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, có kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại, phù hợp”.