Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, bà Đỗ Hồng Hạ - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, Hội ND tỉnh đã giải ngân 500 triệu đồng cho dự án "Nuôi trâu vỗ béo" với 10 hộ nông dân vay trong 24 tháng. Trong đó, vốn giải ngân tại xã Trường Sinh là 400 triệu đồng cho 10 hộ nông dân vay trong 36 tháng thuộc Dự án "Nuôi trâu sinh sản kết hợp cày kéo" tại xã Sơn Nam.
Bà Hạ chia sẻ: "Việc giải ngân nguồn vốn nhanh đã giúp hội viên nông dân bắt tay ngay vào đầu tư phát triển sản xuất, từ đó nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển hàng hóa tại địa phương".
"Nhờ nguồn vốn (là đàn trâu, bò) của dự án được bảo toàn đã không ngừng lan tỏa, giúp cho nhiều hộ có nhu cầu được vay".
Bà Đỗ Hồng Hạ
Trong những năm qua, đây là một trong số rất nhiều các kênh hỗ trợ "đắc lực" để hội viên nông dân phát triển sản xuất. Đơn cử như gia đình anh Hoàng Văn Học, dân tộc Nùng, ở thôn Định Chung, xã Phúc Ứng (huyện Sơn Dương) hiện có đàn trâu, bò 11 con, trong đó có 2 con trâu và 5 con bò nuôi vỗ béo, 4 con bò cái sinh sản.
Anh Học phấn khởi cho biết, số tiền 30 triệu đồng được vay vốn từ Quỹ HTND năm 2020 đã giúp gia đình anh cải tạo chuồng nuôi, mở rộng diện tích trồng cỏ, mua thêm máy băm cỏ, thùng phi để ủ thức ăn cho đàn vật nuôi. Qua nhẩm tính, trung bình mỗi con trâu vỗ béo tăng trọng từ 1 - 1,3kg/ngày, trừ mọi chi phí người nuôi lãi chắc khoảng 40.000 đồng/ngày.
Theo anh Học, nếu chủ động nguồn thức ăn xanh và cám gạo, ngô thì có thể lãi từ 50.000 - 60.000 đồng/ngày. Do đó, chỉ tính nuôi 2 con trâu vỗ béo, anh đã thu lãi trung bình mỗi tháng trên 2,4 triệu đồng.
Cùng chung niềm vui khi được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ HTND, ông Vi Văn Lích (thôn Định Chung, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương) chia sẻ: "Được tham gia dự án vay vốn nuôi bò vỗ béo đã giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất. Từ số tiền vốn vay có được tôi đã đầu tư nuôi 5 con trâu vỗ béo. Dịp cuối năm vừa qua, nhờ bán trâu được giá cao tôi đã thu lãi trung bình mỗi con từ 5 - 7 triệu đồng".
Hiện nay, Hội ND tỉnh Tuyên Quang đang quản lý các chương trình, dự án vay vốn chăn nuôi trâu, bò giúp cho 2.354 hộ nghèo vay. Các chương trình, dự án đã và đang đóng vai trò là "cần câu" giúp nông dân có vốn sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, theo các quyết định của Trung ương Hội NDVN, UBND tỉnh Tuyên Quang, Hội ND tỉnh được giao quản lý tổng số 2.414 con trâu, bò, giá trị trên 26 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2021 đã có 4.405 hội viên được hưởng lợi từ các chương trình bò, trong đó 3.278 hộ nghèo được vay, 1.423 hộ thoát nghèo từ chương trình. Cụ thể, huyện Lâm Bình 382 con, huyện Na Hang 287 con, huyện Chiêm Hóa 372 con, huyện Hàm Yên 329 con, huyện Yên Sơn 636 con và huyện Sơn Dương là 408 con.
Bà Đỗ Hồng Hạ - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết, ưu điểm của những chương trình, dự án là được thực hiện theo phương thức cho vay quay vòng, hay còn gọi là "vay bò, trả bê", dự án "vay trâu, trả nghé".
"Nhờ nguồn vốn (đàn trâu, bò) của dự án được bảo toàn đã không ngừng lan tỏa, giúp cho nhiều hộ có nhu cầu được vay. Những hộ nghèo, hộ chính sách sẽ nhận con giống cái ban đầu của dự án về chăm sóc. Đến khi trâu, bò sinh sản, hộ đó có trách nhiệm trả lại cho dự án 1 con bê, hoặc nghé đủ tiêu chuẩn để Ban quản lý cấp xã luân chuyển cho một hộ khác vay" – bà Hạ chia sẻ.
Hộ gia đình anh Triệu Văn Thương ở thôn Cây Thông, xã Hùng Đức (huyện Hàm Yên) là một trong những hộ được vay vốn từ dự án để nuôi bò. Với đàn bò 3 con hiện tại, thêm 3 - 5 năm nữa, gia đình anh sẽ có tổng đàn bò chục con. Đây là động lực để anh phấn đấu thoát nghèo. Theo anh, nuôi bò có nhiều ưu điểm như sinh sản nhanh, dễ chăm sóc, bò có thể nuôi nhốt, hoặc chăn thả.