Dân Việt

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”

Thanh Phong 22/07/2021 10:41 GMT+7
Phát biểu trong phiên họp sáng 22/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong đó, trọng tâm là việc thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”.

Theo ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản. Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan, tổng thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3%; tổng chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9% . Số thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 13,9% .

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, nền kinh tế phục hồi sẽ không chắc chắn, nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước do nợ công tăng cao.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: quochoi.vn)

"Tiềm ẩn nguy cơ về bong bóng tài sản khi một số quốc gia lớn thực hiện chính sách "siêu nới lỏng" về tài chính và tiền tệ, gây áp lực lạm phát, rủi ro lớn trong trung và dài hạn. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Qua đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp trong việc phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm. Trong đó, xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

"Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện phương châm "cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp", ông Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số nhiệm vụ, giải pháp được Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra như: Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Có các biện pháp điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý, thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước và các nguyên vật liệu sản xuất.

Đáng chú ý, ông Thanh cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cần nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).