Dân Việt

Lo rủi ro, người trồng thanh long Bình Thuận đành lặt búp, bẻ nụ phơi khô bán cho Trung Quốc

Trần Khánh 22/07/2021 15:59 GMT+7
Dịch Covid-19 khiến xuất khẩu thanh long gặp khó. Người trồng thanh long Bình Thuận phải lặt búp, bẻ nụ ngay chính vụ để giảm thiểu rủi ro về kinh tế.

Lặt búp, bẻ nụ ngay chính vụ thanh long

Các chợ đầu mối tại TP.HCM tạm đóng cửa, các cửa khẩu hạn chế thông quan do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến thanh long Bình Thuận gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Thanh long Bình Thuận đang thời điểm chính vụ. Tuy nhiên giá thanh long bán xô tại vườn có lúc chỉ còn 500-1.000 đồng/kg mà vẫn ít thương lái đến thu mua.

Người trồng thanh long ở Bình Thuận lặt bỏ búp thanh long để dưỡng cây. Ảnh Zen Nguyễn

Người trồng thanh long ở Bình Thuận lặt bỏ búp thanh long để dưỡng cây. Ảnh: Zen Nguyễn

Ông Nguyễn Minh Dũng ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, thị trường đang tiêu thụ bấp bênh. Cộng thêm sâu bệnh gây hại, khiến nông dân không còn dám trông đợi ở các đợt thu hoạch rộ chính vụ.

Nhiều nhà vườn chấp nhận thà lặt bỏ nụ, búp thanh long để để dưỡng sức cho cây, chờ thời điểm thích hợp.

"Với giá hiện nay mà càng duy trì vườn trái thì càng tốn công chăm sóc, chi phí phân thuốc, dễ thua lỗ thêm", ông Dũng nói.

Ở huyện Hàm Thuận Bắc, việc bán búp thanh long tươi cho các cơ sở sấy khô cũng đang là giải pháp được nhiều người trồng thanh long lựa chọn.

Hiện tại, búp thanh long tươi được các cơ sở sơ chế sấy khô thu mua từ 1.800-2.400 đồng/kg, tùy thời điểm.

Chị Trịnh Ngọc Thảo ở thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc) kể, mùa này nhiều loại nấm bệnh tấn công thanh long. Nếu trái thanh long bị nhiễm nấm tắc kè quá nhiều, tới khi chín cũng phải loại bỏ vì không bán được.

Thay vì lặt bỏ, chị Thảo bán búp thanh long cũng giúp cải thiện phần nào thu nhập.

Bình thường, người trồng thanh long vẫn phải lặt bỏ bớt các búp thanh long, chỉ giữ lại búp nào tốt để nuôi trái. Ảnh: Trần Khánh

Bình thường, người trồng thanh long vẫn phải lặt bỏ bớt các búp thanh long, chỉ giữ lại búp nào tốt để nuôi trái. Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Phán, chủ một cơ sở sơ chế búp thanh long xuất khẩu ở (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, cơ sở đang cố gắng thu mua thêm cho bà con trong tình cảnh khó khăn.

Riêng đợt thu hoạch trong tháng 6 vừa qua, cơ sở ở đã thu mua gần 700 tấn. Lượng búp thanh long này được cơ sở dự trữ ở 3 kho lạnh có sẵn và 4 kho lạnh mới thuê ở bên ngoài.

Cứ 10 kg búp thanh long tươi sẽ cho 1 kg búp thanh long sấy khô. Bên trong cơ sở, 12 lò sấy với công suất 3,3 tấn/ngày vẫn đang hoạt động hết công suất.

Được biết, mặt hàng từ búp thanh long sấy khô hầu hết xuất khẩu qua Trung Quốc, với giá khoảng 80.000 đồng/kg. Búp thanh long sấy khô cũng được chế biến thành các món ăn, thức uống trên thị trường.

Búp thanh long chuẩn bị được đưa vào sấy. Ảnh Đình Châu

Búp thanh long chuẩn bị được đưa vào sấy. Ảnh: Đình Châu

Hạn chế thiệt hại cho người trồng thanh long

Theo ông Phán, không phải mới đây mà từ nhiều năm trước, thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ búp thanh long sấy khô.

Cũng có người đặt vấn đề thu mua búp thanh long sẽ gây thiệt hại kinh tế. Nhưng thực tế, trong mùa mưa, bệnh đốm nâu và nhiều loại bệnh khác thường xuyên xuất hiện. Hoặc như thời điểm hiện tại, thanh long đang mất giá.

Ông Phán cho biết, giải pháp thu mua búp thanh long lúc này cũng giúp hạn chế phần nào thiệt hại về kinh tế cho người trồng thanh long.

Tỉnh Bình Thuận có khoảng 5 cơ sở sơ chế búp thanh long sấy khô xuất khẩu. Trong đó có 4 cơ sở ở huyện Hàm Thuận Bắc.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.700ha thanh long. Ảnh Trần Khánh

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.700ha thanh long. Ảnh Trần Khánh

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 33.700ha thanh long, với sản lượng thu hoạch trên 600.000 tấn mỗi năm.

6 tháng đầu năm 2021, người dân đã thu hoạch khoảng 210.000 tấn. Những tháng còn lại, Bình Thuân dự báo sản lượng ước đạt hơn 430.000 tấn.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết, ngành nông nghiệp đang vận động doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua xuất khẩu trên địa bàn dự trữ hàng trong kho lạnh. Đồng thời hỗ trợ chi phí sử dụng điện phục vụ đông lạnh và các chi phí khác cho doanh nghiệp. 

Ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp Sở Công Thương xây dựng các phương án ổn định thị trường, không để tư thương ép giá người trồng thanh long.

Do thanh long có thể làm trái vụ nên cần có giải pháp điều chỉnh vụ mùa cho thích hợp. Ông Tấn cho biết, để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, Sở NNPTNT tỉnh đang khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất rải vụ để hạn chế khủng hoảng thừa cục bộ và giá sụt giảm sâu.