Dân Việt

Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài 3): Lãng phí phụ phẩm

Khánh Nguyên 23/07/2021 18:35 GMT+7
Năm 2020 Việt Nam chi đến 6 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 20 triệu tấn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Thế nhưng, trong nước, vẫn còn 120 triệu tấn phụ phẩm nguyên liệu có thể sử dụng làm TĂCN đang bị lãng phí.

Công nghệ chế biến phụ phẩm còn thủ công

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn rơm và các loại phụ phẩm nông, công nghiệp chế biến thực phẩm. 

Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 50% rơm, lúa được sử dụng cho mục đích khác như trồng nấm, chất đốt, phân bón hoặc đốt ngay tại đồng ruộng.

Trong khi đó, tổng nhu cầu thức ăn thô, xanh cần cho đàn gia súc ăn cỏ trong năm 2020 là khoảng 112 triệu tấn thì lượng rơm, phụ phẩm khoảng 20 triệu tấn, cỏ 92 triệu tấn. 

Đến năm 2030, nhu cầu thức ăn thô xanh cả nước là 160 triệu tấn, tương ứng với lượng thức ăn thô xanh cần thêm là 50 triệu tấn.

Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài 3): Lãng phí phụ phẩm  - Ảnh 1.

Nông dân Gia Lai trồng ngô sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Gia Lai.

Đề án khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng gắn với vùng phát triển chăn nuôi; đầu tư, áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung, phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.

Điều đáng nói là, công nghệ chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp làm TĂCN tại Việt Nam mới chỉ dừng lại chủ yếu ở quy mô nhỏ, công nghệ thủ công (ví dụ công nghệ sấy nghiền các loại phụ phẩm từ chế biến thủy sản để sản xuất bột cá, bột đầu tôm; công nghệ ủ chua phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc nhai lại chủ yếu áp dụng ở quy mô nông hộ).

Việc này dẫn đến nhiều nguyên liệu phụ phẩm nông, công nghiệp như rơm lúa, bã bia, bã dứa, bã sắn, vỏ điều, vỏ cà phê, phụ phẩm lò mổ, phụ phẩm chế biến hải sản chưa được tận dụng hết và hiệu quả sử dụng thấp.

Cục Chăn nuôi đánh giá, dù Việt Nam không có diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn như các nước Bắc Âu, châu Âu (năm 2020, cả nước có 172.000ha diện tích trồng cỏ và 50.000ha ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc nhai lại, sản lượng cỏ 250.000 – 300.000 tấn/ha/năm, ngô sinh khối 300.000 tấn/ha/năm) nhưng bù lại nước ta có tiềm năng lớn về phụ phẩm nông, công nghiệp để chế biến TĂCN. 

Theo điều tra của dự án điều tra sinh khối nông nghiệp (WB), cả nước có khoảng 66 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp và 23,5 triệu tấn phụ phẩm chế biến nông sản có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ (chưa kể 30 triệu tấn làm đệm lót sinh học), trong phụ phẩm nông nghiệp thì rơm lúa chiếm 65% (tương đương 43 triệu tấn). 

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, chỉ có 52% phụ phẩm nông nghiệp, chế biến nông sản sử dụng cho chăn nuôi.

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành TĂCN

Trong một cuộc họp giữa Cục Chăn nuôi với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội ngành chăn nuôi mới đây, bà Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không có một đề án, chiến lược về tự chủ nguồn nguyên liệu TĂCN? Bà Hương cho rằng, nếu Việt Nam không tự chủ được về con giống, thức ăn, ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững.

Ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nêu vấn đề, hàng năm Việt Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương để sản xuất TĂCN nhưng lại bán hết sắn sang Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, mặt hàng cám gạo hiện cũng chưa có nghiên cứu bài bản, chuyên sâu nào về việc ứng dụng sản phẩm này làm nguyên liệu TĂCN.

Để nâng cao hiệu quả ngành chế biến TĂCN, giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, theo ông Dương Tất Thắng - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong chiến lược phát triển chăn nuôi và đề án phát triển công nghiệp chế biến TĂCN giai đoạn 2021 - 2030, Cục Chăn nuôi xác định, cần phải tập trung đẩy mạnh các quy trình, công nghệ chế biến phụ phẩm trong ngành trồng trọt, thủy sản để sản xuất ra những sản phẩm thức ăn có thế mạnh nội địa.

Theo số liệu thống kê, hiện mỗi năm Việt Nam có gần 120 triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp, trong đó 30 triệu tấn dùng làm đệm lót sinh học, 90 triệu tấn còn lại có thể làm TĂCN (43/90 triệu tấn là rơm dùng làm thức ăn cho động vật nhai lại).

Chính vì vậy, mục tiêu của đề án phát triển công nghiệp chế biến TĂCN giai đoạn 2021 -2030 đặt ra là hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu TĂCN trong nước bằng ứng dụng các loại công nghệ chế biến, bảo quản; hỗ trợ đầu tư phát triển công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất các chế phẩm vi sinh dùng làm nguyên liệu TĂCN; rà soát chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ và cây TĂCN, mở rộng diện tích trồng cỏ, ngô sinh khối và các loại cây trồng có hoạt tính sinh học và dược liệu phục vụ chăn nuôi.

"Hàn Quốc có công nghệ thu hoạch rơm ngay trong quá trình gặt lúa, sau đó phun chế phẩm sinh học vào rồi đóng gói, ủ chua làm thức ăn cho gia súc nhai lại bảo quản được tới 2 năm. Đây là một hướng phát triển quan trọng mà ngành chăn nuôi Việt Nam cần hướng tới trong giai đoạn tới" - ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.

Trong khi Việt Nam phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất TĂCN công nghiệp năm 2020, các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu xuất khẩu thành công sản phẩm thức ăn thô xanh ra thị trường thế giới. 

Cụ thể, hiện Việt Nam có 39 doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn thô xanh, bao gồm ngô sinh khối ủ chua, cỏ ủ chua, rơm ủ chua, thức ăn tia gamma, đệm lót sinh học… với sản lượng 225.000 tấn, trị giá 22,3 triệu USD.