Chiến tranh thường nổ ra vì các nguyên nhân liên quan đến đất đai, tài nguyên, tôn giáo và chính trị. Tuy nhiên, nhiều cuộc chiến đẫm máu lại bắt nguồn từ những lý do ngớ ngẩn, điển hình là xung đột quân sự giữa Hy Lạp và Bulgaria vì một con chó đi lạc năm 1925.
Hy Lạp và Bulgaria từng là một phần của Đế chế Ottoman trải dài trên vùng lãnh thổ có nhiều tôn giáo, văn hóa và nhóm dân tộc. Hai dân tộc này giành độc lập lần lượt vào năm 1832 và 1908.
Hy Lạp và Bulgaria có nhiều lý do để đoàn kết và sống hòa thuận như đều theo Chính thống giáo phương Đông và cũng như là thành viên của Liên đoàn Balkan. Tuy nhiên, điều này không có nhiều tác dụng khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng đầu thế kỷ 20 vì tranh giành quyền sở hữu Macedonia và Tây Thrace.
Hàng loạt giao tranh nhỏ lẻ nổ ra ở biên giới và bùng phát thành Chiến tranh Balkan năm 1913. Bulgaria gia nhập phe Đức, Áo và Hungary tấn công Serbia trong Thế chiến I. Cuộc chiến kết thúc với phần thắng thuộc về phe Đồng minh, Hy Lạp được hưởng chiến lợi phẩm theo hiệp ước Neuilly-sur-Seine do ở bên thắng cuộc.
Theo đó, Bulgaria phải từ bỏ vùng đất Tây Thrace, Vương quốc Serbs, Croats và Slovenes (sau này trở thành Nam Tư). Căng thẳng giữa Hy Lạp và Bulgaria không được cải thiện khi Thế chiến I kết thúc.
Bulgaria không công nhận các điều khoản hiệp ước và tin rằng cuộc chiến chưa kết thúc. Họ phát động tấn công vào Hy Lạp và Nam Tư, trong đó những đòn tập kích gây thiệt hại nhất do Tổ chức Cách mạng Nội bộ Macedonia (IMRO) và Tổ chức Cách mạng Nội bộ Thrace (ITRO) tiến hành.
Thị trấn Petrich ở tây nam Bulgaria, giáp với Hy Lạp hoạt động gần như một quốc gia độc lập dưới quyền quản lý của IMRO. Tổ chức này phản đối quyết liệt chủ trương giảm căng thẳng với Hy Lạp, cải thiện quan hệ với phần còn lại của châu Âu.
Ngày 18/10/1925, con chó của một lính Hy Lạp đóng quân tại đèo Demir Kapia ở Belatsitsa gần biên giới hai nước đột nhiên chạy về phía Bulgaria. Vì quá yêu thú cưng, người lính này vội đuổi theo mà không biết mình đã vượt qua biên giới. Biên phòng Bulgaria lập tức nổ súng bắn chết người lính Hy Lạp xâm phạm.
Ngay lập tức, biên phòng Hy Lạp nổ súng dữ dội về phía Bulgaria và đối phương cũng bắn trả. Khi tiếng súng lắng xuống, một đại úy Hy Lạp và các thuộc cấp giương cờ trắng đi vào khu vực biên giới, dường như muốn kêu gọi bình tĩnh và đàm phán. Tuy nhiên, phía Bulgaria nổ súng sát hại viên đại úy và làm bị thương các sĩ quan đang chạy về phía Hy Lạp.
Truyền thông Hy Lạp thời điểm đó bỏ qua chi tiết con chó, cáo buộc một số lính Bulgaria đã vô cớ tập kích đồn biên phòng Hy Lạp ở Belasitsa, khiến một sĩ quan và một binh sĩ thiệt mạng.
Số phận con chó không được tiết lộ, nhưng Bulgaria và Hy Lạp khi đó đứng bên bờ vực chiến tranh. Bulgaria bày tỏ lấy làm tiếc về sự cố và cho rằng tất cả chỉ là sự hiểu lầm. Họ đề xuất lập một ủy ban chung giữa hai nước để điều tra.
Trung tướng Theodoros Pangalos, người vừa tiến hành cuộc đảo chính tại Hy Lạp, bác bỏ đề xuất và ra tối hậu thư cho Bulgaria, yêu cầu họ trừng phạt người chịu trách nhiệm, đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường hai triệu franc cho gia đình nạn nhân. Hy Lạp cũng đặt thời hạn 48 giờ để Bulgaria thực hiện yêu cầu.
Chính phủ Bulgaria từ chối thực hiện tối hậu thư, khiến Pangalos điều 20.000 quân tràn qua biên giới để chiếm thị trấn Petrich và các ngôi làng gần đó vào ngày 22/10. Bulgaria triển khai 10.000 binh sĩ đối phó cuộc xâm lược, nhưng Hy Lạp vẫn nắm quyền kiểm soát thị trấn và bao vây khu vực xung quanh. Bulgaria kêu gọi Liên hiệp Các quốc gia, tổ chức tiền thân của Liên Hợp Quốc, can thiệp.
Tổ chức này ra lệnh ngừng bắn, buộc Hy Lạp lập tức rút quân và bồi thường cho Bulgaria vì đã phát động chiến tranh. Chính phủ Hy Lạp phải thực thi yêu cầu và trả khoản tiền 45.000 bảng Anh cho Bulgaria. Cuộc chiến chớp nhoáng đã khiến 20 lính Bulgaria và 122 binh sĩ Hy Lạp thiệt mạng.