Chiều 23/7, TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM từ 0h ngày 9/7.
Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh tại TP vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh
Số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 46.178 trường hợp. Trong đó từ ngày 9/7 đến 6h ngày 23/7 có 40.255 ca, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh, các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
Hiện thành phố đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay. Trong ngày 22/7 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16, số ca bệnh trong khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, do đó TP đã tập trung thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý, đảm bảo thực hiện giãn cách như lắp đặt hệ thống camera giám sát; phát huy tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng trong khu vực phong tỏa, tăng cường kiểm tra, yêu cầu người dân phải ở nhà, hộ gia đình cách ly với hộ gia đình; hỗ trợ mạng truy cập di động để người cách ly có điều kiện giải trí, nâng cao tinh thần; quan tâm động viên, chia sẻ, ổn định tâm lý, nâng cao tinh thần của đội ngũ y - bác sĩ và các trường hợp trong khu phong tỏa, khu cách ly.
Hiện thành phố đang có 72 khách sạn đang thực hiện công tác cách ly, tương ứng 5.249 buồng/phòng; 32 khách sạn chờ khảo sát, thẩm định. Các quận, huyện, TP.Thủ Đức đã vận động được 460 khách sạn đạt tiêu chuẩn cơ bản đồng thuận thực hiện chủ trương cách ly F1 tại khách sạn, với sức chứa khoảng 17.373 phòng.
Hiện nay TP có 12 khu cách ly tập trung với sức chứa 8.680 người, hiện đang cách ly 4.121 trường hợp. Tổng số khu cách ly của quận, huyện, TP.Thủ Đức chuẩn bị mở rộng khi số F1 tăng lên là 345 khu với sức chứa dự kiến 45.094 người (hiện đang cách ly 8.259 người). Trong đó, có 212 trường học sử dụng làm khu cách ly tập trung, khả năng có thể mở rộng thêm nhiều nếu cần thiết.
Để giảm áp lực tại các khu cách ly tập trung, TP đã triển khai hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 đủ điều kiện và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà nhằm giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly.
Hiện nay công tác thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 được thực hiện theo hệ thống 5 tầng điều trị: Tầng 1: Cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Tầng 2: Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 có nhiệm vụ điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Hiện đã có 13 bệnh viện với tổng số giường khoảng 32.000 giường, đang sử dụng 26.957 giường và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Tầng 3: Bệnh viện điều trị Covid-19 ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Hiện có 8 bệnh viện với tổng số giường khoảng 3.315 giường, hiện đang sử dụng 2.832 giường.
Tầng 4: Bệnh viện điều trị mắc Covid-19 nặng có bệnh lý do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng; hiện có 10 bệnh viện với tổng số giường khoảng 3.900 giường.
Tầng 5: Bệnh viện hồi sức Covid-19 được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh Covid-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế; hiện có 4 bệnh viện với tổng số giường khoảng 2.000 giường.
Sau 15 ngày giãn cách, tình hình dịch vẫn rất phức tạp
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, mặc dù TP đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có nơi, có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.
Chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về TP tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.
Việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ" hoặc thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm" còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia; có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Trước tình hình này, TP sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1/8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Các giải pháp cụ thể của TP.HCM khi thực hiện tiếp Chỉ thị 16 là gì?
Tại cuộc họp tổng kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 chiều 23/7, lãnh đạo TP.HCM đã xác định Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1/8 với các giải pháp mạnh hơn nữa.
Các giải pháp này nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Trong đó tập trung một số nội dung cụ thể như thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn thành phố, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.
Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
Siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn...
Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho đoàn viên, hội viên, các chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nghiêm và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Các địa phương tiếp tục tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm để mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ.
Kết hợp việc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và cách ly tại nhà đối với người chờ kết quả khẳng định của xét nghiệm PCR; triển khai trả kết quả xét nghiệm qua tin nhắn điện thoại và ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh.
Siết chặt công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa.
Các địa phương phải thật quyết liệt kiểm soát thật chặt chẽ khu phong tỏa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân; gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa. "nhà cách ly với nhà, người cách ly với người".
TP yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong khu phong tỏa với sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, Thanh niên xung phong; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị xã hội, hoạt động của Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng tham gia kiểm soát chặt chẽ khu phong tỏa. Trường hợp vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm; nơi nào vẫn để tiếp diễn tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách dẫn đến lây nhiễm thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi đó.
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 và F0 không có triệu chứng. Các địa phương phải lên phương án, phân công cán bộ phụ trách, ứng dụng công nghệ thông tin để có sự quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát phù hợp.
Khắc phục vướng mắc hiện nay trong việc phối hợp điều chuyển F0, F1 trong quá trình cách ly và điều trị. Theo đó, hướng dẫn rõ công tác vận chuyển, phối hợp giữa các khu cách ly và bệnh viện điều trị khi "F1 chuyển thành F0" và "F0 không triệu chứng thành F0 có triệu chứng nặng".
Nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; trong đó chú trọng huy động đội ngũ y bác sỹ về hưu, lương y, hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.
Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng.