Chiều 23/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại tổ 19 (tỉnh An Giang, Bà Rịa –Vũng Tàu, Cà Mau và Đồng Nai), ĐBQH Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã đề cập một số vấn đề cần được giải quyết khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Ông cho biết, hiện nay chúng ta có cơ chế chính sách bảo vệ cho người nông dân để sản xuất theo quy hoạch. Từ việc người nông dân không được sự hỗ trợ, bảo vệ sản xuất trong quy hoạch dẫn tới sản phẩm làm ra có độ ổn định rất thấp; năng suất, chất lượng sản phẩm không cao; thiếu đảm bảo cung - cầu giữa sản phẩm chủ lực với chế biến xuất khẩu; rất khó khăn trong xây dựng thương hiệu.
"Nếu chúng ta không quy hoạch và bảo vệ quy hoạch sẽ diễn ra việc phát triển tràn lan, phát triển theo phong trào. Thời gian qua đã thấy rõ điều này, như quả bưởi, các loại quả có múi, thanh long… tràn sang có những tỉnh không lợi thế để phát triển", ĐBQH Lương Quốc Đoàn nói và cho biết, để tình trạng như vậy sẽ dẫn tới dư thừa sản phẩm nông nghiệp rất nhiều. Đây là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.
Liên quan đến phát triển công nghiệp chế biến, theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, mặc dù chúng ta có chính sách nhưng chưa đủ mạnh. Ông dẫn chứng, các sản phẩm rau-củ -quả với tổng số lượng 26 triệu tấn, chúng ta mới chế biến được 1 triệu tấn.
Đây là con số rất nhỏ nên giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp thấp. Điều đó kéo theo rất nhiều vấn đề, như việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp không có, chủ yếu là xuất thô, xuất nhỏ lẻ, không tạo được việc làm tại chỗ, không góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
"Nếu như công nghiệp chế biến đầu tư đủ mạnh mới giúp kinh tế nông thôn phát triển hơn", ĐBQH Lương Quốc Đoàn nói.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu thêm: Chúng ta là đất nước nông nghiệp nhưng chúng ta nghiên cứu đầu tư giống cho các loại nông sản còn kém, trừ giống lúa. Đây là vấn đề cần được quan tâm.
Nói về chính sách đất đai trong nông nghiệp, ĐBQH Lương Quốc Đoàn cho biết, ở nông thôn hiện nay một số vùng ruộng đất bỏ hoang rất nhiều. Người nông dân có ruộng nhưng không trồng cấy, họ không bán, cũng không cho thuê.
"Qua thực tiễn tại vùng nông thôn, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Hồng, chúng tôi thấy người nông dân lo lắng về sự ổn định. Vì tâm lý an toàn cao nên họ không muốn bán đất, không muốn cho thuê đất, không muốn góp đất, họ đề phòng khi có rủi ro xảy ra trong cuộc sống thì còn mảnh đất để sản xuất", ĐB Đoàn cho hay.
Vẫn theo ĐBQH Lương Quốc Đoàn, hiện này chúng ta có 64% số xã đạt nông thôn mới, nhưng số xã còn lại thì hết sức khó khăn, đặc biệt ở các vùng miền núi phía Bắc, như ở tỉnh Hà Giang, Cao Bằng…
"Ở Hà Giang, có huyện chỉ phấn đấu làm sao có một xã hội nông thôn mới nhưng cũng chưa đạt được theo 19 tiêu chí như quy định. Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chúng ta nên linh hoạt có những quy định chuẩn nông thôn mới của vùng cao có những tiêu chí thấp hơn so với vùng đồng bằng" ĐB Đoàn nói.
Nói về người nông dân, chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Người nông dân hiện nay so với trước đã có sự thay đổi rất nhiều nhưng thu nhập vẫn thấp. Ông dẫn chứng, thu nhập bình quân theo đầu người cả nước 3.500 USD/người/năm (hơn 80 triệu đồng), nhưng thu nhập của nông dân 43 triệu đồng/năm.
"Thu nhập thấp nhưng đóng góp của người nông dân lại cao. Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước, việc huy động đóng góp của người dân khoảng 6,5%; trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025, dự kiến huy động 5,7% đóng góp của người dân. Đây là con số đóng góp cao", ĐBQH Lương Quốc Đoàn nói.
Một vấn đề nữa được Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chỉ ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải tính đến. Đó là chúng ta chuyển mạnh lao động từ nông thôn ra thành thị nhưng lao động ra thành thị làm công nhân lại không thể trở thành người thành thị, bởi thu nhập thấp.
Đô thị phát triển lên nhưng người nông dân ra thành thị để chuyển đổi lao động lại không thể trở thành công dân đô thị. Điều đó dẫn tới một lúc nào đó sẽ tạo sức ép về nông thôn, gây ra nhiều vấn đề. Đại biểu Đoàn lấy ví dụ như trong đợt dịch Covid-19 hiện nay, nhiều công nhân thất nghiệp lại trở về nông thôn, tạo sức ép lên khu vực này. "Đây là vấn đề chúng ta phải quan tâm trong việc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới", ông nói.
Theo ĐBQH Lương Quốc Đoàn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới tái cơ cấu nông nghiệp thì nòng cốt là hợp tác xã.
"Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động thực chất rất yếu kém. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, có trên 50% số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên chúng tôi cho rằng con số thật không đạt được như thế", ĐB Đoàn nói và dẫn ví dụ như ở Sơn La, qua thống kê chỉ có khoảng 31% hợp tác xã nông nghiệp là làm ăn có lãi. Trong khi tỉnh này dành sự quan tâm rất nhiều cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã nêu một số vấn đề để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.