Nếu kéo dài sửa Luật Đất đai thì hàng trăm tỷ đồng bị ứ đọng
Đại biểu Quốc hội: Nếu kéo dài sửa Luật Đất đai thì hàng trăm nghìn tỷ ứ đọng, doanh nghiệp gặp nguy hiểm
PVCT
Thứ tư, ngày 21/07/2021 19:41 PM (GMT+7)
Trong phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân cho biết: Ở nhiều địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đề bù nhưng đang vướng bởi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu. Nếu kéo dài sửa Luật Đất đai thì hàng trăm nghìn tỷ đồng ứ đọng, doanh nghiệp gặp tình trạng nguy hiểm.
Chiều ngày 21/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021. Nhiều đại biểu khi phát biểu đều dành sự quan tâm đến việc sớm sửa Luật Đất đai để giải quyết những bất cập đang tồn tại.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) nói, bà thấy sốt ruột khi Luật Đất đai đã được đưa vào chương trình nhiều năm trước, nhưng vẫn lùi thời gian và đến giờ vẫn chưa được sửa đổi.
Dự kiến, dự án luật này được đưa vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Đại biểu Kim Bé cho rằng, như vậy có thể đầu năm 2024, Luật mới có hiệu lực thi hành và chờ văn bản quy định chi tiết thì có thể kéo dài tới cuối nhiệm kỳ. Trong khi, Luật Đất đai rất cần thiết sửa đổi để khắc phục những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.
Nữ đại biểu này đề nghị, đẩy tiến độ sửa Luật này sớm hơn, đưa vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh năm 2021, để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm nay.
Theo đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa), vấn đề sửa Luật Đất đai là mối quan tâm của các đại biểu và người dân, đặc biệt là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, cũng như quản lý đất đai để không bị lãng phí, kém hiệu quả.
Nhất trí đưa và chương trình kỳ họp thứ 3 để Quốc hội cho ý kiến, nhưng theo đại biểu Lê Xuân Thân, cuối năm 2022 (nghĩa là kỳ họp thứ 4) phải ban hành được Luật Đất đai sửa đổi mới thể hiện được quyết tâm của Quốc hội về một vấn đề nóng bỏng.
Ở góc độ khác, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), sự thận trọng trong sửa Luật Đất đai với việc thông qua sau 3 kỳ họp là có cơ sở, bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề. Trên thực tế cho thấy đất đai chưa được quản lý tốt, vẫn còn tiêu cực xảy ra.
Xây dựng dự thảo Luật đất đai phải chờ nhiều quyết sách
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nhấn mạnh việc phải sớm sửa Luật Đất đai. Ông nêu thực tế, ở nhiều địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đề bù nhưng đang vướng bởi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu. Nếu kéo dài sửa Luật Đất đai thì hàng trăm nghìn tỷ đồng ứ đọng, doanh nghiệp gặp tình trạng nguy hiểm.
"Nếu không kịp trình dự án Luật Đất đai để sửa đổi, Quốc hội phải đưa ra nghị quyết để giải toả bức xúc của doanh nghiệp", đại biểu Nguyễn Văn Thân nói.
Liên quan đến Luật Đất đai, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định, đây là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Do đó, cơ quan này dự kiến đưa dự án luật này vào chương trình trình Quốc hội theo quy trình ba kỳ họp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thứ 4; thông qua tại kỳ họp thứ 5).
"Quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp", ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, việc đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình để cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) là sự cố gắng lớn. Bộ trưởng nói thêm, việc xây dựng dự thảo luật này phải chờ nhiều quyết sách của cơ quan có thẩm quyền, không đơn thuần chỉ pháp lý mà còn là vấn đề chính trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.