Trốn học đi đánh cầu lông
Niềm đam mê cầu lông của Nguyễn Thùy Linh được hình thành từ rất sớm. Khi mới 10 tuổi, Thùy Linh đã được ông ngoại đưa đi xem thi đấu cầu lông ở nhà văn hóa. Ông ngoại của Thùy Linh nhanh chóng phát hiện ra năng khiếu của cháu gái và định hướng cô đi theo đam mê của mình.
Tài năng nở rộ, Thùy Linh phải xa gia đình từ nhỏ để xuống Hà Nội tập luyện theo quy trình bài bản. Cô nhanh chóng gặt hái thành công ở các giải trẻ, thể hiện tiềm năng của một VĐV chuyên nghiệp trong tương lai. Nhưng đến năm 12 tuổi, bố mẹ cô lo con gái theo nghiệp thể thao sẽ vất vả nên đưa Thùy Linh về quê.
Tại sao con gái phải theo nghiệp cầu lông? Tại sao cứ phải làm vận động viên? Sao không quay lại học tập để có một cuộc sống ổn định hơn? Đó là suy nghĩ của bố mẹ Thùy Linh thời điểm đó. Thương nhớ cô con gái phải sống xa nhà, họ miễn cưỡng tìm cách giấu vợt đi, nghĩ làm thế thì Thùy Linh sẽ sớm nghe lời.
Nhưng câu chuyện lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Càng bị ngăn cấm, tình yêu với cầu lông của Thùy Linh càng bộc lộ mãnh liệt. Cô tìm ra mọi vị trí bố mẹ giấu vợt, rồi trốn học đi chơi. Không ham mê game hay nhiều trò vô bổ khác, Thùy Linh chỉ thích cầu lông mà thôi. Mỗi lần như thế là một lần bố mẹ Thùy Linh tá hỏa chạy đi tìm con gái.
Mê cầu lông như thế nhưng cũng có thời điểm Thùy Linh ngừng chơi và nghĩ đến chuyện gác vợt. Đó là lúc mẹ cô lâm bệnh nặng. Nguyện ước của mẹ là mong con gái chịu khó học hành, thế nên cô phải tạm xa sân cầu lông. "Tôi nghỉ chơi cầu lông một thời gian. Để tang mẹ xong, tôi mới nghĩ đến chuyện trở lại với đam mê", Thùy Linh tâm sự.
Khẳng định bản thân
Không lâu sau khi mẹ Thùy Linh qua đời, ông ngoại cô cũng tạ thế. Mất đi 2 người thân yêu trong một thời gian ngắn, cô chỉ biết nén nỗi đau để tiếp tục cầm vợt. Nhìn thấy tình yêu của con gái dành cho cầu lông, bố Thùy Linh cũng không còn ngăn cấm như trước nữa. Đổi lại, cô phải nghiêm túc với con đường mình đã chọn và toàn tâm toàn ý thực hiện.
Đó cũng là lúc mọi người chứng kiến một Nguyễn Thùy Linh hoàn toàn khác trên sân cầu lông. Di chuyển nhanh nhẹn, đập cầu quyết đoán, Thùy Linh gần như không có đối thủ ở các giải trong nước. Đối trọng lớn nhất với cô gái sinh năm 1997 là người đàn chị Vũ Thị Trang, người có nhiều năm kinh nghiệm ở đội tuyển quốc gia.
Với Nguyễn Thùy Linh, Vũ Thị Trang như một bức tường lớn mà cô cần phải vượt qua để vươn tầm thế giới và cô đã làm được. Những cuộc đối đầu nảy lửa giữa 2 VĐV hàng đầu luôn cân tài, cân sức. Từ chỗ có phần lép vế, Thùy Linh dần lấn át người đàn chị. Tấm vé đến Olympic Tokyo là phần thưởng xứng đáng dành cho tay vợt nữ số 1 Việt Nam.
Mê cầu lông hơn kiếm người yêu
Bên cạnh tài năng, Thùy Linh còn được yêu mến bởi ngoại hình xinh xắn, khỏe khoắn nhưng cũng đầy nữ tính. Cô có đủ khả năng thu hút ánh nhìn của bất cứ chàng trai nào. Nhưng cho đến nay, Thùy Linh vẫn gần như dành hết toàn bộ thời gian trong ngày để tập luyện, thi đấu và chăm sóc sức khỏe.
Những thiếu nữ tuổi đôi mươi sẽ thường đi chơi, tán gẫu với bạn bè sau giờ làm việc hoặc dịp cuối tuần, nhưng Thùy Linh thì không. Cô từng mô tả thời gian biểu của mình như sau: Thức dậy lúc 7h sáng, tập luyện từ 8h30 đến 12h, buổi chiều lại tập từ 15h30 đến 18h, cuối tuần được nghỉ chiều thứ Bảy và Chủ nhật để thả lỏng hoặc về thăm gia đình.
Bên cạnh đó còn là những chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài, khiến cô gái 24 tuổi gần như không có thời gian cho bản thân. Rất hiếm khi tay vợt nữ số 1 Việt Nam có dịp hẹn hò cùng bạn bè. Một buổi cà phê, một chuyến mua sắm như những cô gái bình thường cũng là điều xa xỉ mà Thùy Linh luôn ao ước.
Cũng nhờ sự hi sinh những niềm vui đời thường ấy, Thùy Linh mới có được ngày hôm nay. Họ chấp nhận đánh đổi niềm vui nhỏ bé của bản thân để đem về vinh quang cho địa phương và đất nước.