Trong xã hội Trung Hoa cổ đại, có rất nhiều hình thức xử phạt những người phạm tội, tùy vào mức độ phạm tội mà bị khép vào các hình phạt khác nhau và mức độ cao nhất chính là xử tử. Xử tử cũng có nhiều hình thức và chém đầu là một trong số đó.
Với các phạm nhân bị xử chém, trong quá trình bị giải ra pháp trường đợi đến giờ Ngọ ba khắc, trong miệng họ thường bị nhét nút gỗ vào miệng, nút gỗ nhét vào miệng phạm nhân ấy được gọi là "mộc lê".
Suy cho cùng, những phạm nhân bị xử tử đều là những kẻ sắp bước lên "cầu Nại Hà", vậy tại sao còn phải chặn miệng họ? Quy định này có từ bao giờ?
Theo trang Sohu (Trung Quốc), quy định chặn miệng phạm nhân bị xử chém đầu được xuất hiện lần đầu tiên vào thời kỳ của Võ Tắc Thiên.
Trong lịch sử, Võ Tắc Thiên là vị Nữ Hoàng đế duy nhất trong xã hội phong kiến Trung Quốc, bà từng là Tài Nhân của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, là Chiêu Nghi và là người kế thừa của Đường Cao Tông. Vì Đường Cao Tông bệnh tật, ốm yếu, cho nên trong thời gian ông trị vì, Võ Tắc Thiên đã dần nắm được quyền lực triều chính trong tay.
Bấy giờ, khi vẫn còn là Hoàng hậu, Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông trọng dụng rất nhiều con em nhà gia cảnh khó khăn, điều này gây đả kích lớn đến rất nhiều dòng họ lớn và gia đình quý tộc trong triều. Trong thời gian này, có không ít người vô tội đã bị hại.
Nhằm củng cố vững chắc quyền lực trong tay, Võ Tắc Thiên không từ thủ đoạn nhằm hạ bệ đối thủ của mình trên triều, đặc biệt là vào khoảng thời gian bà cùng Đường Cao Tông lấy danh nghĩa Nhị Thánh Thiên Hoàng, Thiên Hậu cùng nhau thượng triều.
Thủ đoạn của Võ Tắc Thiên ngày càng độc ác, tàn nhẫn, càng ngày càng có nhiều những nạn nhân bị nữ hoàng tiễn về nơi suối vàng.
Cho nên bấy giờ, khi những người bị Võ Tắc Thiên hãm hại bị giải đến pháp trường, trên đường đi, họ không ngừng công kích, mắng nhiếc Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên tuy là người có yếu tố tâm lý cứng cỏi, nhưng khi gài bẫy, mưu hại triều thần thì ít nhiều trong lòng bà cũng có chút lo sợ.
Giống như khi Võ Tắc Thiên mưu hại Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi, trước lúc chết, họ đã nói sẽ biến thành mèo để cắn chết Võ Tắc Thiên. Nghe vậy, Võ Tắc Thiên liền hạ lệnh sai thuộc hạ chặt tay hai người họ, sau đó cho bắt giết tất cả mèo trong cung. (Tuy nhiên việc này vẫn ám ảnh nữ hoàng, thậm chí sau này cứ nhìn thấy mèo là sợ)
Cũng tương tự như vậy với những phạm nhân bị xử tử khác, Võ Tắc Thiên hạ lệnh bịt miệng tất cả những kẻ không biết "giữ mồm giữ miệng", không cho họ cơ hội nói điều bất lợi cho mình.
Dùng nút gỗ nhét miệng phạm nhân sẽ khiến họ trước khi bị hành hình chẳng thể nói được câu gì.
Việc này là chuyện thường thấy ở thời cổ đại, nhưng thực tế vẫn còn có một nguyên nhân khác nữa, đó là dùng nút gỗ để phạm nhân không thể phát ra tiếng kêu la thảm thiết khi bị xử phạt lăng trì.
Lăng trì là hình phạt tàn khốc nhất trong những hình phạt tử hình dưới thời phong kiến cổ đại Trung Hoa.
Người phải chịu hình phạt này cũng sẽ phải hứng chịu những nỗi đau đau đớn nhất, khi ấy cơ thể họ sẽ vượt khỏi khả năng chịu đựng, khó tránh sẽ nói ra hoặc phát ra âm thanh kêu la thảm thiết.
Trong trường hợp đó, nếu miệng của họ bị nhét nút gỗ, thì dù có đau đớn hơn nữa cũng chẳng thể phát ra âm thanh gì.
Từ những việc làm này, có thể thấy những luật lệ trong xã hội phong kiến xưa thực sự quá hà khắc. Xét cho cùng, xử tội chết đã là hình thức nặng nề nhất, cũng có nhiều hình thức xử tử nhẹ nhàng, việc giày vò thân xác người khác đến như vậy chẳng phải chỉ để thỏa mãn cảm xúc của người cầm quyền?