Trong giai đoạn TP. HCM và Hà Nội giãn cách, người tiêu dùng vẫn có thể mua sắm các nhu yếu phẩm thông qua hệ thống các sàn thương mại điện tử. Theo các chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội để các sàn thương mại điện tử bùng nổ cũng như có thêm nhiều khách hàng mới.
Người dùng có thể lựa chọn các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo, Grab Mart,... Chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại hoặc truy cập vào website, người tiêu dùng có thể mua sắm nhanh chóng và thanh toán qua ví điện tử, thẻ visa hoặc trả sau khi nhận hàng.
Việc dễ dàng mua sắm nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phòng dịch khiến nhiều người khá hào hứng. Chị Đặng Mỹ Ngọc, một nhân viên văn phòng cho biết: "Việc mua sắm qua các ứng dụng giúp tôi và những người xung quanh đảm bảo được nhu cầu thiết yếu, đồng thời cũng hạn chế việc phải ra ngoài, tránh tiếp xúc với nhiều người".
Cùng quan điểm về sự tiện lợi, anh Nguyễn Quang Huy, một thầy giáo cho hay: "Trước đây tôi không phải đi chợ nhưng bây giờ điều kiện bắt buộc nên cũng phải làm, việc mua sắm qua các ứng dụng với giá được niêm yết giúp tôi đỡ phải mặc cả và lo lắng việc bị mua hớ. Ngoài ra mua sắm trực tuyến cũng giúp tôi tiết kiệm rất nhiều, có thêm thời gian để làm online mùa dịch".
Đồng hành cùng người dân và Chính Phủ chống dịch, các sàn thương mại điện tử cũng có những chương trình như “Đi chợ tại nhà” của Sendo, “Tiếp sức Sài Gòn-Tiki trao tươi ngon” của Tiki, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee hay chương trình “An tâm ở nhà” của Voso để cùng chung tay chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường.
Bên cạnh đó, các sàn như Tiki, Shopee hay Lazada với các thực phẩm tươi sống tương tự cũng được tiêu thụ nhanh và tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn cung đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định cho người dân.
Trước đó, trong đợt giãn cách tháng 6, đại diện của Tiki cho biết: "Sàn thương mại điện tử Tiki đã ghi nhận mức độ tăng trưởng trên toàn sàn gấp 3 lần so với thời gian trước giãn cách. Trong đó, các ngành hàng cho thấy mức độ tăng trưởng vượt bậc, lên đến 30%, có thể kể đến như: Hàng tiêu dùng, thiết bị gia dụng – nhà cửa đời sống, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, thời trang".
"So với lần giãn cách đầu, các mặt hàng tươi sống và đông lạnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng hơn 10 lần. Bên cạnh đó, ngành hàng FMCG ghi nhận mức tăng trưởng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái" - đại diện Lazada cho biết.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn ban đầu nhưng các sàn TMĐT đã nỗ lực để tìm ra phương án hợp lý nhất trong nguồn cung và giao vận tại các vùng có dịch.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến và thương mại điện tử nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ, mới đây các cơ quan chức năng đã cho phép các shipper của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,... được phép hoạt động.
Anh Nguyễn Duy Khánh, một shipper của Grab cho biết đợt này số lượng đơn anh nhận tăng vọt, chủ yếu là nhu yếu phẩm như thịt, cá, rau củ,... "Mình rất vui vì không chỉ tăng thu nhập mà mình cũng đang đóng góp cho công tác phòng dịch, giúp mọi người hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên khi đi giao hàng mình vẫn phải luôn nhắc nhở bản thân đeo khẩu trang đầy đủ cũng như hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khách hàng".
Theo thông tin từ Grab, hiện số lượng đơn hàng GrabFood, dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nơi tăng mạnh so với thời điểm trước ngày 30-5. Dịch vụ đi chợ hộ GrabMart có sự tăng trưởng đơn hàng đột biến trong những ngày qua. Vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp này cũng triển khai các biện pháp an toàn cho vấn đề giao nhận.