Sở Y tế Hà Nội vừa công bố thêm 7 ca dương tính mới, phân bố tại 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng (3); Ba Đình (1); Hoài Đức (1); Thạch Thất (1); Tây Hồ (1) và phân bố theo 5 chùm ca bệnh, gồm: Sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng (2); B6 Trại Găng - quận Hai Bà Trưng (2); ho sốt thứ phát (1); phường Tân Mai - quận Hoàng Mai (1); Bùi Thị Xuân (1).
Trước đó, vào sáng nay, TP ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 tại 06 ổ dịch.
Gồm: 4 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Bắc Giang tại công ty SEI; 2 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng; 1 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng (thứ phát); 1 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng (nguyên phát); 1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan TP.Hồ Chí Minh; 1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Tân Mai, Hoàng Mai.
Còn vào trưa nay, Hà Nội ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính mới với Covid-19 theo nhiều chùm ca bệnh, phân bổ tại 8 quận, huyện: Sơn Tây (07), Hai Bà Trưng (05), Hoàng Mai (05), Hoài Đức (03); Tây Hồ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh mỗi nơi có 01 bệnh nhân.
Như vậy, với việc thêm 7 ca dương tính trong chiều nay, trong ngày 25/7, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 41 ca dương tính. Tính từ ngày 29/4 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 730 trường hợp dương tính.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP, qua phản ánh trong ngày đầu giãn cách có khó khăn.
"Sở Công Thương đã báo cáo ngay và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã kịp thời chỉ đạo ngành Công Thương, Giao thông vận tải, Công an TP kịp thời tháo gỡ vận chuyển cho một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện 3 ngành tiếp tục phối hợp để khắc phục tình trạng nêu trên để doanh nghiệp yên tâm vận chuyển hàng vào địa bàn TP, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhân dân", bà Lan cho hay.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thêm, về hoạt động của shipper, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Manh Quyền đã chỉ đạo ngành Công Thương, GTVT phối hợp thống nhất đối tượng nào thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ được phép lưu thông trên địa bàn với điều kiện quản lý chặt chẽ.
Cụ thể đó là những nhân viên shipper của hệ thống siêu thị, hệ thống logistic của sàn thương mại điện tử để tham gia vận chuyển trên địa bàn. "Tháo gỡ được việc này sẽ bảo đảm được lưu thông hàng hóa trên địa bàn", bà Lan khẳng định.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nói rõ: "Xe vận chuyển hàng hóa 2 bánh (shipper) gồm 2 đối tượng: 1 là nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử thì TP cho phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Hai là các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống thì TP cấm hoạt động".
Theo Công an TP. Hà Nội, ngay trong ngày 24/7, tại 22 điểm chốt, lực lượng chức năng đã kiểm soát 30.831 lượt phương tiện với 51.956 lượt người qua chốt (trong đó 1.567 phương tiện vận tải hành khách); yêu cầu 294 lượt phương tiện quay đầu, không vào Thành phố.
Các đơn vị Công an trên toàn Thành phố đã xử phạt hành chính 71 trường hợp với số tiền là 110 triệu đồng lỗi không đeo khẩu trang nơi công cộng; 4 cơ sở với số tiền là 60.000.000 đồng lỗi kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động.
Trong buổi sáng ngày 25/7, tại 22 điểm chốt, đã kiểm soát 17.791 lượt phương tiện với 25.191 lượt người qua chốt (trong đó 223 phương tiện vận tải hành khách); yêu cầu 12.715 lượt phương tiện quay đầu không vào Thành phố.
Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 168 trường hợp với số tiền là 385.000.000 đồng lỗi không đeo khẩu trang nơi công cộng; 1 cơ sở với số tiền 15.000.000 đồng với lỗi kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động); 52 trường hợp với số tiền 115.050.000 đồng các hành vi vi phạm khác (không thực hiện biện pháp cách ly; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách...).
Như tại địa bàn huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt đối với gần 80 trường hợp vi phạm các quy định trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với tổng số tiền phạt trên 190 triệu đồng.
Sau khi báo chí có những cảnh báo về các chiêu trò kẻ xấu lợi dụng dịch Covid-19 giả mạo các tổ chức y tế, ngày 25/7, Công an TP. Hà Nội vừa công bố Đường dây nóng tố cáo thủ đoạn lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo.
Cụ thể, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:
1. Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo.
2. Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.
3. Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
Một số thủ đoạn như: Các đối tượng mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung cập nhật tình hình lây nhiễm Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam.
Sử dụng các bẫy lừa đảo đầu tư, điển hình như sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng, chống, xét nghiệm, chữa trị Covid-19. Tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch Covid-19.
Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết này, người dùng sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng...
Hay đánh vào tâm lý lo sợ lây nhiễm Covid-19, các đối tượng sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm, phương thuốc có thể phòng ngừa vi rút như tác dụng của vắc xin để lừa nạn nhân; trong khi trên thực tế, các sản phẩm này đều chưa từng được kiểm chứng...
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho hay việc phân luồng từ xa giúp phương tiện qua Hà Nội đi đúng lộ trình, không vào chốt kiểm dịch của Hà Nội, tránh ách tắc.
Hiện Hà Nội giãn cách xã hội nên phương tiện không được đi vào, trừ các xe có thẻ nhận diện theo luồng xanh.
Theo đó, xe từ Hòa Bình đi về Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại đi theo các tuyến đường:
Ngã ba Xuân Mai (Hà Nội) - quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh (Hòa Bình) - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Kon Tum - Gia Lai - Đăk Lăk - Đăk Nông - Bình Phước.
Hòa Bình - quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 21 - quốc lộ 1- Hà Nam.
Hòa Bình - quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 12B - quốc lộ 1- Ninh Bình.
Hòa Bình - quốc lộ 6 - đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 9 - quốc lộ 1 - các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Xe từ Hòa Bình đi đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại đi theo đường: Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - quốc lộ 2- Vĩnh Phúc; Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 32 - Yên Bái.
Xe đi từ Hòa Bình đi Thái Nguyên, Bắc Ninh và ngược lại theo tuyến: Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - quốc lộ 2 - quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Hòa Bình - quốc lộ 6 - quốc lộ 21 - quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - quốc lộ 2- quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - Bắc Ninh.
Xe từ Ninh Bình đi đến Lạng Sơn và ngược lại theo tuyến: Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - quốc lộ 38 - quốc lộ 39 - quốc lộ 5 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - quốc lộ 1 - Lạng Sơn.
Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - quốc lộ 38 - quốc lộ 39 - quốc lộ 5- quốc lộ 37 - quốc lộ 18 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - quốc lộ 1- Lạng Sơn.