Theo ghi nhận của PV Dân Việt, xu hướng giao dịch bất động sản vẫn âm thầm diễn ra trong mùa dịch. Tuy nhiên, do nhu cầu mua và thuê giai đoạn này không nhiều, khiến việc tìm khách của chủ nhà trở lên khó khăn hơn.
Để giải quyết tình trạng này, họ đã tìm đến các môi giới và chấp nhận mất một phần hoa hồng để có thêm khách hàng nhằm lấp đầy các bất động sản cho thuê, hoặc bán được hàng.
Theo chia sẻ của anh Trần Văn Tiến chủ một mặt bằng cho thuê trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, dưới tác động của dịch bệnh, anh đã giảm giá thuê gần 30% cho chuỗi cửa hàng quần áo đã thuê gần 3 năm nay. Tuy nhiên trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, khách đề nghị giảm 50% giá thuê thì anh không đồng ý giảm thêm nữa. Theo đó người thuê đã buộc phải cắt hợp đồng và trả mặt bằng cho thuê.
Lúc này, để tìm được khách hàng, anh tìm đến một nhân viên môi giới nhà đất trong khu vực và chấp nhận mất 20% hợp đồng thuê 3 tháng đầu tiên cho người này. Tuy nhiên, nhân viên môi giới viện cớ rằng có nhiều mặt bằng giá rẻ chào thuê khác chứ không chỉ riêng của nhà anh Tiến nên đã ép anh tăng tới 35% lợi nhuận hợp đồng thuê.
Anh Tiến bức xúc chia sẻ: "Dù biết có thể chưa tìm được người thuê trong 1 - 2 tháng tới và phải để trống mặt bằng, không thu nhập nhưng tôi vẫn chấp nhận chứ không muốn mất tiền cho môi giới trong khi vẫn giảm giá mặt bằng cho khách thuê. Hợp tình hợp lý thì mình xem xét, chứ nếu thấy thị trường khó khăn, môi giới với người thuê quay ra ép giá người bán thì tôi thà để trống chứ không muốn cộng tác lâu dài".
Không chỉ riêng anh Tiến, ghi nhận của PV cho thấy, hiện có những mặt bằng thương mại bán lẻ đã giảm các dịch vụ 20 - 30% để giữ chân khách hàng, cá biệt những nơi lên tới 50% cho khách hàng thanh toán lần đầu.
Không chỉ xuất hiện tình trạng ép giá thuê, những chủ nhà rao bán gấp bất động sản trong thời gian gần đây cũng bị môi giới và người mua ép giá bán.
Còn anh Trần Mạnh Hùng đang rao báo căn nhà 3 tầng nằm trong ngõ của đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, lúc đầu, anh rao bán căn nhà 5 tầng, 50m2 với giá 7,9 tỷ đồng nhưng sau 2 lần thương lượng với môi giới và bên mua, anh đã phải hạ thêm giá bán giảm xuống gần 500 triệu đồng. Dù đã lường trước tình hình khó khăn và dự kiến sẽ bị ép giá xuống nhưng anh Hùng không ngờ lại bị ép nhiều như thế.
Theo chia sẻ của anh Hùng thì căn nhà trên là khoản đầu tư anh mua vào thời điểm giữa năm 2019. Anh đã bỏ công tu sửa lại và dự kiến sẽ bán ra sau vài tháng. "Nếu không cần xoay vốn gấp tôi sẽ không đời nào sang nhượng lại với giá 7,4 tỷ đồng như hiện nay. Lúc đầu thương lượng tôi đã chấp nhận giảm xuống 300 triệu nhưng sau đó môi giới tiếp tục ép giá. Môi giới nói rằng nếu đợi tìm người mua mới thì có thể sẽ khá lâu, giá bán cũng không chắc sẽ được như kỳ vọng vì đang dịch bệnh".
Do đó, để chốt nhanh, anh Hùng buộc phải giảm thêm 200 triệu nữa, với mức giảm này, giá bán đã gần với chi phí anh bỏ ra mua và tu sửa căn nhà lúc đầu. Dù chưa đến mức thua lỗ nhưng tính theo lãi suất ngân hàng thì anh đã đầu tư công cốc.
Tình trạng của anh Hùng cũng không phải là câu chuyện cá biệt trong giao dịch bất động sản trong mùa dịch. Với những chủ nhà có nhu cầu cần bán gấp, bị ép giá là chuyện khó tránh khỏi.
Chị Lê Thu Duyên, chủ một căn nhà lẻ tại Mễ Trì Thượng chia sẻ, chị ký gửi cho bên môi giới bán lại căn nhà 32 m2, 3 tầng từ đầu tháng 2/2020 với giá 2,8 tỷ đồng. Do rơi trúng mùa dịch nên không tìm được người mua, đến hiện tại khi tìm được khách nhận sang nhượng thì môi giới nói rằng, giá căn nhà của chị xuống chỉ còn 2,5 tỷ đồng. Được biết căn nhà này chị Duyên mua từ năm 2017 với giá 1,8 tỷ đồng, có thể nói với mức giá hiện tại là không bị thua lỗ nhưng rõ ràng so với thời điểm trước khi có dịch, giá này đã giảm rất nhiều.
Theo một số môi giới bất động sản, việc bán bất bất động sản lúc này là do chủ nhà đang cần tiền gấp, tương tự với mặt bằng, nhà phố cho thuê, chủ nhà cũng mong muốn duy trì hoặc lấp đầy khách thuê trong mùa dịch. Cho nên, cả khách hàng và môi giới đều liên tục ép giá và ép được xuống bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Đương nhiên, cái khó của thời điểm này là khách gửi lại thì muốn thu về giá đó nên việc chốt giao dịch trở nên khó khăn hơn.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam cho hay, không phủ nhận vai trò của những người làm môi giới tự do vì phần đông trong số họ có nhiều kinh nghiệm và am hiểu tình hình thị trường địa phương. Tuy nhiên, cũng vì làm tự do nên họ không chịu sự quản lý của ai, dễ phát sinh tiêu cực như phối hợp nhau làm giá, làm nhiễu thông tin.