Dân Việt

Người nhạc trưởng gần 90 tuổi giữ tuồng Dương Cốc

Ngô Khiêm 30/07/2021 10:44 GMT+7
Một chiều hè man mác, rong ruổi trên những bờ đê sông Đáy với bờ cỏ ngút ngàn xanh, tôi tìm về làng Dương Cốc (Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) – nơi có đội tuồng "độc nhất vô nhị" của xứ Đoài. Hỏi thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh (sinh năm 1933) thì không ai là không biết.

Một gia đình truyền thống

làng Dương Cốc đã có một thời từ già, trẻ, trai, gái ai cũng biết hát tuồng, mê tuồng. Hôm nay, cuộc sống mới có nhiều đổi thay, chỉ còn những bậc cao niên là còn đắm đuối, giới trẻ dường như đã không còn thiết tha, mặn mà với nghệ thuật truyền thống của làng nữa.

Đau đáu, xót xa – đó là tâm trạng nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh khi trò chuyện với người viết. Bởi thế, ông Bỉnh luôn rất quan tâm đến việc truyền nghề cho các cháu, con trong nhà, trong xóm và kể cả người ngoài làng. Những năm gần đây khi tuổi đã cao nhưng ông vẫn tham gia đóng góp với đội cũng như truyền dạy cho lớp trẻ về nhạc cụ và trống tuồng.

Chuyện người nhạc trưởng tuồng làng "88 mùa xuân" - Ảnh 1.

Cổng làng Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội (Ảnh: Ngô Khiêm).

Gia đình ông Bỉnh được biết đến là một trong những gia đình có tiếng bậc nhất trong làng. Không chỉ bởi ông là đội trưởng đội nhạc, hay ông là một trong những "viên gạch" đầu tiên gây dựng đội tuồng nức tiếng của làng mà còn bởi các con, cháu của ông hiện nay có nhiều người theo con đường nghệ thuật – võ thuật.

Võ thuật chính là nghề gia truyền của gia đình ông mà nổi bật nhất là người con - võ sư Lương Ngọc Huỳnh, chưởng môn phái Lâm Sơn Động nức tiếng xứ Đoài một thời. Thành công với võ thuật nhưng ngày thơ bé võ sư Huỳnh cũng rất yêu thích nghệ thuật và từng biểu diễn độc tấu đàn bầu ở Nhà hát Lớn Hà Nội khi mới 7 tuổi cho các tướng lĩnh xem, trong đó có Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Vương Thừa Vũ mà đến nay gia đình vẫn còn lưu giữ lại tấm ảnh quý giá này.

Chuyện người nhạc trưởng tuồng làng "88 mùa xuân" - Ảnh 2.

Một buổi biểu diễn của CLB tại Lễ đón nhận danh hiệu làng Văn hóa lần thứ 2 làng Dương Cốc. (Ảnh: SVTTTHN)

Còn nghệ thuật là nghề của làng, tất nhiên hiện nay cũng có những người ở các chuyên ngành khác nhau. Như con trai của ông Bỉnh là Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Khánh (nghệ danh Khánh "kèn") với "đôi môi thần kỳ" đã không chỉ thổi kèn bầu (kèn đám hiếu) trong nhạc tuồng và nhạc Cung đình Huế mà đã mạnh dạn sáng tạo, cải biên để đưa vào thổi cho các ca khúc.

Rồi người con trai duy nhất của Khánh "kèn" cũng nối nghiệp cha là Nghệ sĩ Ưu tú sáo và kèn bầu Ngọc Anh, (hiện công tác Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long). Không chỉ vậy, ông Bỉnh còn có con gái Nguyễn Ngọc Huyền và con dâu Nguyễn Thị Lực cũng là những diễn viên có thể hát tuồng, múa tuồng (vũ đạo tuồng), diễn tuồng một cách nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp.

Nhạc trưởng đội tuồng

12 tuổi, ông Bỉnh đã chơi thành thạo các loại nhạc cụ như: Đàn bầu, sáo, nhị, tam thập lục, guitar, harmonica... Tuy chơi giỏi các loại nhạc cụ nhưng chủ yếu là tự học nên ông không biết nhạc lý, mà như thế thì mãi vẫn là nghiệp dư.

Nghĩ vậy nên năm 1954, ông đã mua cuốn sách "Tự học âm nhạc" của Nghệ sĩ ưu tú Tạ Tấn để nghiên cứu, những chỗ không hiểu ông lại tìm người học trước để hỏi cho bằng được. Nhờ quá trình bền bỉ, cần cù, hơn nữa lại biết chơi nhạc cụ nên ông học nhạc lý rất nhanh.

Người nhạc trưởng gần 90 tuổi giữ tuồng Dương Cốc - Ảnh 3.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh. (Ảnh: Ngô Khiêm).

Năm 1955, ở làng Dương Cốc đã có phong trào hát cải lương và đội cải lương cũng đã được thành lập. Tuy nhiên, dù chèo và cải lương được người dân làng Dương Cốc biết đến sớm hơn nhưng dường như đó không phải là thế mạnh của họ mà mãi đến năm 1967 khi Đoàn tuồng Liên khu 5 (nay là Nhà hát Tuồng Đào Tấn), Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Nghệ thuật Hà Tây (cũ) "không hẹn mà gặp" cùng về làng Dương Cốc sơ tán, mới là mầm mống để những "nghệ sĩ nông dân" tuồng xuất hiện.

Nhận thấy niềm yêu thích hát tuồng của những người nông dân nơi đây, các nghệ sĩ đã mở lớp nhạc công và diễn viên. Ông Bỉnh được hợp tác xã cử vào học lớp nhạc cụ. Trong ký ức của ông hôm nay, ông vẫn không thể quên được không khí học tuồng của người dân làng mình thời ấy. Dù sống ở thời bao cấp đầy rẫy những khó khăn mà họ vẫn say mê, tâm huyết với những câu hát, lời thoại, tiếng đàn trong tuồng.

Chuyện người nhạc trưởng tuồng làng "88 mùa xuân" - Ảnh 3.

Các con cháu trong lễ mừng thọ nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh (Ảnh: Ngọc Anh).

Năm 1967, khi làng Dương Cốc thành lập đội tuồng, ông được mời làm nhạc trưởng. Trong đội nhạc còn có một số cụ cao tuổi cũng tham gia việc chỉ hướng dẫn, tập vũ đạo, tập hát làn điệu. Họ đã cùng nhau diễn tuồng, chơi nhạc dưới làn "mưa bom bão đạn" của kẻ thù, trước sự bủa vây của cái nghèo, cái đói.

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, đội tuồng làng Dương Cốc đã có đến 200 tấm huy chương vàng trong các hội diễn nghệ thuật ở các cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quân khu và toàn quốc và được đánh giá là đội tuồng nghiệp dư xuất sắc nhất miền Bắc.

Những vở tuồng, như: "Quốc Toản ra quân", "Cô gái sông Tích", "Sáng mãi niềm tin", "Trần Bình Trọng", "Ngọn lửa Tiểu Kỳ", "Ngọn lửa hồng sơn", "Máu lửa nhập thiên đường", "Nắng soi dòng suối Păng Pơi"  “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Tình cá nước”, “Cô dân quân trên vùng kinh tế”... đã làm nức lòng nhân dân xa gần.

Chuyện người nhạc trưởng tuồng làng "88 mùa xuân" - Ảnh 4.

Các thành viên CLB Tuồng Dương Cốc truyền dạy hát tuồng cho thế hệ trẻ (Ảnh: Ngọc Huyền).

Niềm vui đến, nỗi buồn nhiều thêm

Gương mặt nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bỉnh bỗng tươi hẳn lên khi biết mình và 10 thành viên trong đội tuồng (trong đó có con gái và con dâu của ông) có tên trong danh sách được đề nghị xét phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú tới đây.

Dù có phần muộn màng nhưng đó cũng là niềm an ủi tuổi xế chiều để ông tiếp tục vững tin vào cuộc sống, vào những giá trị mà mình đã đem lại cho "thương hiệu" tuồng Dương Cốc.

Ông bảo, những người đặt "viên gạch" đầu tiên cho đội tuồng hầu như đã về với tiên tổ, chỉ ông còn sống để có thể nhận được sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước.

Ông nghĩ để có đội tuồng nổi tiếng cần có sự "chung vai gánh sức" đầy trách nhiệm và tâm huyết. Đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" thì việc nhận được danh hiệu là điều rất quý, đó sẽ là "bảng vàng thành tích" mà gia đình ông tiếp tục làm rạng danh trên quê hương Dương Cốc.

Trong ánh nắng hoàng hôn, ông nắm chặt tay tôi rồi nói: "Tôi rất tiếc khi người trẻ trong làng đã không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng nữa và làng tuồng Dương Cốc rất có thể sẽ bị thất truyền trong tương lai không xa".

Nỗi trăn trở đó cũng là nỗi trăn trở chung của nhiều ngành nghệ thuật truyền thống, đòi hỏi những nhà quản lý văn hóa hiện nay phải có tầm nhìn chiến lược, lâu dài, hành động thiết thực, hiệu quả để các ngành nghệ thuật truyền thống được lưu truyền, khởi sắc.

Chia tay ông, chia tay ngôi làng với cổng làng cổ kính có câu đối: "Chính đại quang minh muôn hướng anh tài về hội tụ/ Nhân nghĩa thủy chung ngàn năm khí tiết vẫn vẹn toàn", tôi cứ mông lung nghĩ về những đêm diễn tuồng vui nhộn tại ngôi làng và không khỏi xót xa về những gì mà mình vừa được nghe, được thấy.