Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã có 2 văn bản yêu cầu công ty chủ quản của các ứng dụng Grab, Be, Gojek, My Go, FastGo dừng hoạt động đối với môtô hai bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa để phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, đơn vị cũng yêu cầu dừng kết nối trên ứng dụng và đề nghị Sở TT&TT hỗ trợ kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.
Tuy nhiên, trên thực tế, Công an TP.Hà Nội vẫn ghi nhận một số trường hợp là lái xe Grab đi giao hàng cho khách và ra quyết định xử phạt vì bất chấp lệnh cấm.
Đáng chú ý ngày 30/7, Bộ Y tế công bố có một trường là anh N.T.T, 24 tuổi, ở Tân Hội, Đan Phượng. Anh là lái xe Grab. Ngày 28/7, anh đi khám tại Bệnh viện Đan Phượng được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Nhiều người thắc mắc, vậy với các trường hợp vi phạm, lái xe Grab sẽ bị phạt như thế nào.
Trường hợp tài xế mắc Covid-19, làm lây lan cho người khác khi giao hàng, những cá nhân, đơn vị liên quan có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Luật sư Trần Tuấn Anh- Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, việc các tài xế xe công nghệ và đối tác cung cấp dịch vụ những ngày qua không chỉ không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Với việc không tạm dừng cung cấp dịch vụ, các đối tác công nghệ giao hàng có thể bị xử phạt về hành vi "không tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng theo điểm c, khoản 3, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khung hình phạt áp dụng dành cho cá nhân vi phạm là 10-20 triệu đồng và 20-40 triệu đồng với các tổ chức.
Về trách nhiệm của đối tác công nghệ đối với các tài xế khi không thông báo lệnh cấm, không đóng chế độ giao hàng dẫn tới việc đối tác bị xử phạt, theo luật sư Tuấn Anh, công ty công nghệ không có trách nhiệm nộp phạt hoặc bồi thường thiệt hại cho tài xế.
Chế định về bồi thường thiệt hại tại Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu dựa vào yếu tố lỗi cũng như thỏa thuận về bồi thường giữa các bên.
Khoản 3 Điều 507 Bộ luật này quy định thành viên hợp tác có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác nếu thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Tuy nhiên, theo luật sư, các tài xế chỉ có thể yêu cầu bồi thường nếu chứng minh được yếu tố lỗi hoàn toàn thuộc về phía công ty công nghệ.
Mối quan hệ giữa công ty công nghệ và các tài xế là mối quan hệ hợp tác. Công ty cung cấp giải pháp, tìm kiếm khách hàng, đưa ra yêu cầu đối với tài xế là người tiếp nhận yêu cầu, trực tiếp phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, họ có quyền từ chối, không bắt buộc thực hiện yêu cầu. Do đó, lỗi thuộc về cả 2 bên. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó.
Ngoài ra, nếu tài xế làm lây lan dịch bệnh có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 12 năm tù.
Luật sư Tuấn Anh cũng cho biết thêm, đối với người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bệnh Covid-19 cũng có thể bị phạt tiền tối đa 30 triệu đồng theo Điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.