Cấp bách triển khai các giải pháp để lưu thông
Ngày 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến chỉ đạo về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Trước đó, ngày 28/7, Bộ NNPTNT có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về một số biện pháp cấp bách để lưu thông hàng hóa kịp thời...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu: Không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Theo bà Khuất Thu Hiền, để tránh việc "chốt lớn mở, chốt nhỏ chặn lại", Hà Nội cần sớm chấn chỉnh các chốt kiểm dịch từ thành phố đến các chốt xã, thôn, xóm trên địa bàn hoạt động hiệu quả và thống nhất hơn tạo điều kiện cho người dân giao dịch, vận chuyển các mặt hàng thiết yếu thuận lợi.
Còn Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và chính quyền các cấp song song với việc kiểm soát phòng, chống dịch thì cần: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là sản phẩm tươi sống như con giống, thịt, trứng, sữa, thủy - hải sản, rau, củ, quả…
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo luồng xanh nhanh nhất từ khi làm xong thủ tục đăng ký; những chốt kiểm soát dịch bệnh cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe luồng xanh, để tránh ách tắc giao thông, nếu đi chung với các loại phương tiện khác sẽ mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm tươi sống.
Ngoài ra, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội cần xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đảm bảo lưu thông tốt hàng hóa.
Bộ NNPTNT cũng đề nghị, căn cứ vào khoản 3 Điều 4 của Luật Giá cần ban hành kịp thời danh mục hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh lưu ý đến giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì thức ăn chăn nuôi là những hàng hóa phục vụ cho duy trì sản xuất hiện tại và lâu dài.
Ngày 27/7 Bộ Công Thương cũng đã gửi văn bản tới Sở Công Thương các địa phương đề nghị tham mưu UBND cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo đó, ngoài các nhóm thực phẩm, hàng hóa thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và sản phẩm từ trứng, sữa tươi..., hàng thiết yếu còn có nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...); nhóm nguyên liệu, năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...
Xe chở hàng thiết yếu được cấp "luồng xanh"
Trao đổi với chúng tôi, anh Khuất Văn Khang - chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi lớn ở Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, sau khi Bộ GTVT có công văn hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành hướng dẫn danh mục hàng hóa thiết yếu để được lưu thông trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 27/7 và Bộ NNPTNT vào cuộc hỗ trợ, việc lưu thông mặt hàng thức ăn chăn nuôi của các đại lý, doanh nghiệp ở Hà Nội đã thuận lợi hơn.
Theo anh Khang, thời điểm này, các xe được cấp "luồng xanh" và có giấy xác nhận test nhanh Covid-19 thì có thể yên tâm vận chuyển thức ăn chăn nuôi ra vào Hà Nội. "Hôm nay chúng tôi đã đưa được số lượng lớn thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các khách hàng trang trại ở các xã, huyện trên địa bàn, thấy bà con rất phấn khởi" - anh Khang chia sẻ.
Sau nhiều ngày gặp khó khăn trong việc vận chuyển, nhập thức ăn chăn nuôi, ngày 28/7, các xe chở cám của bà Khuất Thu Hiền - chủ đại lý thức ăn chăn nuôi lớn ở Phúc Thọ đã lưu thông dễ dàng hơn: "So với mấy ngày đầu giãn cách, hôm nay chúng tôi chuyển trên 10 tấn thức ăn chăn nuôi về qua các chốt kiếm dịch nhanh và thông thoáng hơn".
Còn ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi công nghệ cao Hòa Mỹ ở Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, sau nhiều ngày kêu cứu đến hôm nay việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm của đơn vị đã được cải thiện: "Đến giờ đàn lợn trên 20.000 con của HTX Hòa Mỹ đã có đủ thức ăn. Chúng tôi đang tích cực kết nối lại các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm sau nhiều ngày tạm ngừng".
Một số lãnh đạo doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi lớn ở Hà Nội cho rằng, đến nay, việc lưu thông của các xe "luồng xanh" vận chuyển hàng thiết yếu qua các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ thành phố thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, một số xe hàng khi vào các chốt kiểm dịch ở các xã, thôn, xóm tại một số nơi lại bị chặn lại với lý do phòng dịch hoặc "hàng không cấp bách", khiến cho nhiều người rất bức xúc.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"