Thằn lằn núi Bà Đen là một món ăn đặc sản vì thằn lằn thuộc loại bò sát nên thịt khá mềm và thơm mang hương vị rừng núi ngon ngọt. Đặc biệt hơn, chúng được xem như một loại thuốc quý vì thức ăn chủ yếu chỉ gồm sung chín, chuối và lá thuốc nam nên thịt rất săn chắc, thơm ngon và vô cùng bổ dưỡng.
Thịt thằn lằn có tác dụng tốt cho sức khỏe với những người cơ thể hay mệt mỏi, chán ăn hay những thực khách sau một chuyến hành trình dài thì món cháo thằn lằn núi nấu với tiêu xanh và hành tươi cùng thêm ít rau ngò tây, khi ăn nóng sẽ giúp cơ thể giải nhiệt và hết mệt mỏi.
Thịt thằn lằn được chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như: thằn lằn băm nhỏ xào chung với tiêu xanh ăn với bánh tráng và lá lốt; hoặc thằn lằn chiên giòn ăn kèm rau xà lách các loại rau thơm, mắm me.
Đặc biệt là món chả đùm thằn lằn ít có mùi vị riêng, món này các chị phụ nữ không còn thấy hình thù của nguyên liệu chính nữa vì đã được băm nhuyễn nên dễ ăn hơn. Món này ăn kèm bánh tráng nướng. Đặt một miếng chả đùm lên miếng bánh tráng nướng đưa vào miệng… Lẫn trong vị giòn của bánh tráng, mềm thơm của thịt, giòn xựt của nấm mèo là chút xương xương của… thằn lằn.
Riêng món cháo đậu xanh thằn lằn thì rất đậm đà, sẽ ấm bụng sau khi uống vài cốc bia với mồi thằn lằn núi chiên xù, ốc núi hấp sả… Nhưng có thể chị em phụ nữ vẫn còn ngập ngừng khi đang húp cháo bỗng đâu thòi ra cái… đuôi thằn lằn mềm nhũn, sậm màu.
Theo người dân ở đây cho biết, thì thằn lằn núi Tây Ninh thường có số lượng lớn từ tháng 4 đến tháng 8, vào những tháng này là mùa nóng, khô nên thằn lằn thường hay ra phơi nắng trên các chỏm đá. Muốn bắt được thằn lằn núi Bà Đen phải rất kiên nhẫn như những cần thủ câu cá, đầu tiên muốn bắt được thằng lằn phải có mồi câu nhử chúng, sau đó núp sau các hốc đá cho khuất và dùng cần câu chuyên dụng để giật từng con một. Vì thế mà những món ăn từ thịt thằn lằn càng trở nên đặc biệt hơn.