Đây là một trong những đặc sản của Phú Thọ mà nghe đến tên thôi cũng đã gây nên biết bao sự tò mò. Rêu mọc trên các mỏm đá, được người Mường lấy về từ suối rồi rửa sạch phần nhớt bên ngoài. Người ta có thể chế biến được nhiều món từ rêu đá tùy theo sở thích nhưng món được ưa chuộng nhất phải kể đến đó chính là rêu đá nướng.
Rêu đá "hoang dại" ở muôn nơi nhưng đến Phú Thọ thì dường như không phải vậy.
Rêu đá được thái mỏng, trộn với tỏi và cuộn trong lớp lá đu đủ. Sau khi nướng thì lớp lá bên ngoài bị cháy đen còn rêu bên trong cũng vừa kịp ngấm hết gia vị và hòa quyện với mùi tỏi thơm lừng.
Món thịt chua không còn là một món ăn thường ngày của người dân nơi đây nữa mà đã là đặc sản của nơi đây. Mỗi gia đình người dân ở đây đều có bí quyết gia truyền làm thịt chua riêng.
Muốn thịt chua ngon, thơm, nguyên liệu phải chọn con lợn khoảng 25 đến 30 kg để thịt. Thịt xong, thui cho bì lợn vàng đều, quay cho thịt lợn gần chín tới. Sau đó mới chọn những phần thịt mông, vai, thăn, hoặc ba chỉ thái mỏng, miếng nhỏ, lọc hết gân. Sau đó phải rang thính ngay thì món ăn mới ngon. Thịt chua ủ khoảng 3, 4 ngày là có thể đem ra ăn.
Thường thì ăn thịt chua có thể ăn kèm với rau sống như lá sung, lá đinh lăng, lá nhội, lá ổi. Khi ăn có vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hòa quyện với vị chua chua của thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây rừng hòa vào vị cay của tương ớt.
Bánh Tai có từ thời xa xưa của làng Phú Thọ, bánh có tên gọi khác là bánh Hòn. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt khác, và không phải ai cũng làm được chiếc bánh Tai giếng Thánh đúng chuẩn hương vị đặc biệt vốn có.
Bánh có màu trắng đục, thơm mùi bột quện với mùi thịt ngầy ngậy. Ăn từng miếng nhỏ, bạn mới có thể cảm nhận được dư vị của chiếc bánh. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể kết hợp ăn bánh với nước mắm vắt chanh, quất, ớt … rồi tha hồ nhấm nháp mà không biết ngán. Bánh tai được người Phú Thọ yêu thích, sử dụng trong những dịp quan trọng như cỗ cưới hỏi, giỗ tết.
Nhắc đến đặc sản nức tiếng Phú Thọ mà bỏ qua bưởi Đoan Hùng thì thật đáng tiếc. Dưới thời kỳ phong kiến, chỉ có tầng lớp vua chúa mới được ăn bưởi Đoan Hùng. Vì thế mà loại quả này được mệnh danh là “bưởi tiến vua”.
Bưởi Đoan Hùng có quả hình cầu dẹt, chín màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị thơm, ngon, ngọt, mát. Giống bưởi này đặc biệt ở chỗ có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường.
Mặc dù trên đất nước Việt Nam, có rất nhiều miền quê trồng bưởi nhưng bưởi Đoan Hùng đã xuất sắc dành cho mình một hình ảnh và thương hiệu rất riêng, không lẫn đi đâu được.
Hình ảnh rừng cọ là một trong những nét đặc trưng của vùng đất Tổ. Ít ai biết rằng, ngoài những tán lá xanh, tán rộng của cây cọ được dùng để lợp nhà thì quả của loài cây này cũng được chế biến làm thành một món ăn cực kỳ thú vị, mang tên là cọ ỏm.
Cọ ỏm là món ăn được làm từ quả cọ, được người ta hái và om chín lên để thưởng thức. Ở nhiều vùng miền quê ngày xưa người ta rất hay ăn loại quả này để trừ bữa mà ông bà ta vẫn hay nói là món ăn thời bao cấp. Thế nhưng hiện nay đây lại là một đặc sản nức tiếng của Phú Thọ.
Người ta phải chọn loại cọ già, hay cọ chín. Cọ khi chưa được nấu lên thì có vị chát, hơi đăng đáng rất khó ăn. Nhưng khi được nấu lên thì lại mềm, bùi bùi. Ăn vào có nhiều quả rất ngọt và béo nhưng cũng có nhiều quả chát ngay đầu lưỡi nhưng càng ăn càng thấy ngọt. Người Phú Thọ có thói quen ăn với nước chấm, làm nước chấm ngon thì món cọ này cũng được “nâng tầm” hơn.
Phải tầm đến tháng 10 âm lịch thì mới có cọ chín nên không phải lúc nào đến đây cũng được thưởng thức món ăn này. Cọ ỏm bốc hơi lên mang theo một mùi thơm rất nhẹ nhàng, xen lẫn vị beo béo, ăn trong cái thời tiết se se lạnh thì không còn gì bằng.
Đến Phú Thọ mà không thưởng thức Tằm cọ thì chưa thể kể là đến với Phú Thọ bởi món ăn đặc sản này chỉ có tại vùng đất nổi tiếng với những rừng cọ xanh biếc bạt ngàn mà thôi. Những khu rừng ấy không chỉ mang đến cho người dân địa phương món cọ ỏm đặc sản mà còn có những con tằm cọ béo ngậy, đậm đà.
Tuy không phải ai cũng dám thử khi nhìn thấy món ăn này lần đầu nhưng nếu đã có đủ “can đảm” trải nghiệm thì bạn sẽ bị cuốn hút bởi sự tinh tế trong phong vị của vùng đất trung du này.
Củ sắn thì bạn đã ăn nhiều nhưng rau sắn thì có thể là chưa. Rau sắn được người dân Phú Thọ thu hoạch cùng với củ sắn rồi mang về chế biến thành những món ăn vô cùng đặc biệt. Rau sắn có vị chua chua tự nhiên được dùng để làm dưa, nấu canh hoặc kho cá đều rất ngon đấy nhé.
Canh rau sắn có mùi thơm nồng đặc trưng, vị bùi bùi, chua chua của rau sắn, ngọt đậm đà của các loại cá tươi, sườn heo, thịt gà, đuôi heo, chân giò… là món ăn rất phù hợp với những ngày thời tiết nóng nực.