Nhãn là một trong những loại cây ăn quả chủ lực trên đất Sơn La, trong đó huyện Sông Mã là địa bàn có diện tích và sản lượng nhãn lớn nhất tỉnh.
Theo ông Hoàng Văn Chép (bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã), cây nhãn được nhiều bà con quê ở Hưng Yên mang lên trồng khi chọn Sông Mã làm nơi định cư.
Vào cuối những năm 1990, xu hướng sản xuất nhãn hàng hoá bắt đầu hình thành thì cây nhãn mới thực sự phát triển mạnh cả ở vùng đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú…
Đầu những năm 2000, đã có nhiều bà con ở bản Hải Sơn, Nà Nghịu và ngay cả một số hộ dân tộc thiểu số ở Huổi Một, Mường Hung, Chiềng Khương, Đứa Mòn, Mường Lầm… có diện tích cây nhãn tới 1-2ha/hộ.
"Ngày ấy tỉnh có chủ trương phát triển kinh tế trang trại theo mô hình hộ nông dân. Đây là chủ trương được nông dân ủng hộ rất cao vì Sơn La nói chung và Sông Mã nói riêng vốn đất rộng, người thưa, lao động cần cù, phù hợp với việc phát triển các trang trại nhỏ. Hơn nữa, việc đầu tư cây nhãn ngày ấy, bà con có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau vì nhãn là cây trồng truyền thống, đã thuần hóa trên đất Sông Mã" - ông Chép cho biết.
"Ngay trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng như thế này, chúng tôi vẫn có được những đợt tiêu thụ nhãn với giá cao nhờ xuất khấu sang các nước như Trung Quốc, EU, Úc...".
Nông dân Nguyễn Xuân Tâm
Diện tích tăng lên, sản lượng quả tươi ngày một nhiều, tạo sức ép tiêu thụ với nông dân.
Từ đầu những năm 2000, tại Sông Mã bắt đầu phát triển 2 hình thức tiêu thụ nhỏ lẻ: Đưa nhãn tươi đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh và sản xuất long nhãn sấy khô.
Khi tỉnh Sơn La áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhãn thì diện tích nhãn tăng mạnh. Nếu năm 2018, diện tích cây nhãn ở Sông Mã mới đạt gần 6.100ha thì năm 2021 đã tăng lên 7.300ha, sản lượng tăng lên gần 16.000 tấn quả tươi (đạt 55.900 tấn).
Không đợi đến hôm nay, khi mùa nhãn cho trái ngọt với sản lượng lên tới khoảng 98.000 tấn quả tươi (trong đó huyện Sông Mã chiếm hơn 55%), mà nhiều năm qua, tỉnh Sơn La đã có những hoạt động thiết thực, gấp rút cho việc tiêu thụ nông sản.
Việc kết nối tiêu thụ này được thực hiện có bài bản và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tham mưu, phối hợp rất tốt với các bộ, ngành của Trung ương để tạo "luồng khí mới" cho tiêu thụ sản phẩm nhãn.
Các đoàn công tác của tỉnh liên tục tìm đến những thị trường tiêu thụ nông sản lớn trong nước để học hỏi kinh nghiệm như: Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn; kết nối với các doanh nghiệp, thương nhân có khả năng tiêu thụ sản phẩm lớn đến các nước như Anh, Mỹ, EU, Úc, Trung Quốc…
"Nông dân chúng tôi được tập huấn rất nhiều về kinh nghiệm sản xuất VietGAP, sản xuất theo yêu cầu của chủ hàng từ khâu chọn giống tới chăm sóc, thu hoạch, bao gói. Những yêu cầu đó có khắt khe nhưng khi chúng tôi tuân thủ tốt thì lại mở ra hướng tiêu thụ nông sản đặc biệt có lợi cho nông dân" - ông Nguyễn Xuân Tâm (ở xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã) cho biết.
Không những thế, tỉnh Sơn La còn phối hợp các tập đoàn đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thụ - chế biến nông sản tại chỗ như ở Vân Hồ, Mai Sơn; xây dựng trung gian giữa người nông dân với các doanh nghiệp tiêu thụ, họ vừa đóng vai người thu mua, vừa hướng dẫn kỹ thuật, giám sát kỹ thuật, tổ chức thu hoạch, sơ chế ban đầu… đó chính là hệ thống hàng chục HTX, tổ hợp tác xã đứng chân trên địa bàn.
Sản xuất nhãn ở Sơn La:
* Diện tích >19.000ha
* Sản lượng nhãn quả tươi năm nay ước đạt >98.000 tấn (huyện Sông Mã hơn 55.000 tấn)
* 2.200ha nhãn với sản lượng quả tươi ước đạt 2.200 tấn đủ điều kiện xuất khẩu
Ông Đào Ngọc Bằng-Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn - một trong những đơn vị tiêu thụ sản phẩm nhãn số lượng lớn ở huyện Sông Mã, cho biết: "Nhãn của chúng tôi đã được nhiều nước biết đến nhờ quá trình quảng bá và tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La nói chung và huyện Sông Mã nói riêng.
Chúng tôi cũng tuyên truyền với những xã viên HTX, với nông dân là mỗi người dân trồng nhãn ở Sông Mã hãy trở thành một tuyên truyền viên về sản phẩm nông sản của mình bẳng những cách làm thiết thực trong sản xuất: Thực hiện sản xuất sạch; ứng dụng công nghệ sạch để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên nông sản; thu hoạch đúng cách, đúng thời điểm".
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Cuối tháng 7, sản phẩm nhãn trên quê hương chúng tôi được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng chỉ "Nhãn Sơn La". Đồng thời, nhãn tươi của chúng tôi cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước; trong đó có những thị trường khó tính như EU, Anh, Mỹ… Điều đó là minh chứng cho sức vươn chiếm lĩnh thị trường của nhãn Sông Mã.