Theo đó, từ ngày 03/08/2021, bà Dương Thị Lệ Hà sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng Giám đốc NCB thay cho ông Phạm Thế Hiệp. Ông Phạm Thế Hiệp vẫn đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT NCB.
Bà Dương Thị Lệ Hà đã có 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tại NCB, trước khi đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc, bà Hà là Phó Tổng Giám đốc thường trực, Trưởng Ban Kiểm soát NCB.
Bà Hà đã từng là Phó Tổng Giám đốc - Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và có nhiều năm công tác tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Cùng ngày, HĐQT cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thùy Dương, bà Hoàng Thu Trang làm Phó Tổng Giám đốc.
Như vậy, tính đến ngày 03/8/2021, ban điều hành của NCB gồm có: Bà Dương Thị Lệ Hà – Quyền Tổng Giám đốc và 05 Phó Tổng Giám đốc gồm: ông Nguyễn Hồng Long, ông Nguyễn Đình Tuấn, bà Lê Kim Chi, bà Nguyễn Thị Thùy Dương và bà Hoàng Thu Trang.
Được biết, bà Hoàng Thu Trang có hơn 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà Trang đã từng là lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng như: Phó Giám đốc Trung tâm Kế hoạch và báo cáo quản trị - Techcombank; Giám đốc Quản lý Tài chính – MSB, Phó Giám đốc Khối Tài chính kiêm Giám đốc Trung tâm Kế hoạch và Quản trị Thông tin –TPBank.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trước khi được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc, bà Dương đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Quản trị Rủi ro và nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức tín dụng khác như: VIB, BaoVietBank, MSB.
Theo NCB, việc bổ sung nguồn lực, củng cố đội ngũ ban điều hành sẽ giúp NCB thúc đẩy tái cấu trúc mạnh mẽ, tăng trưởng và phát triển, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Ngân hàng cũng như lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 29/7/2021, NCB đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT mới là bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền, ngay sau đó HĐQT đã bầu bà Bùi Thị Thanh Hương làm Chủ tịch HĐQT NCB.
Về kết quả kinh doanh, NCB báo lãi trước thuế 125,7 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, gấp 5,4 lần con số cùng kỳ năm trước (23,2 tỷ đồng).
Riêng thu nhập lãi thuần trong kỳ tăng 35% mang về 649 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng đột biến 356% mang về gần 90 tỷ đồng trong khi các mảng kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán đều sụt giảm.
Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 83.970 tỷ đồng, đã giảm hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương giảm 6,3% so với cuối năm trước.
Trong kỳ, tiền gửi khách hàng tại ngân hàng giảm hơn 3.100 tỷ đồng còn 68.904 tỷ đồng (giảm 4,4%), trong khi đó cho vay khách hàng của NCB vẫn ghi nhận tăng trưởng 3,5% đạt 41.740 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng nhẹ 1,2% lên 616 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,51% cuối năm trước về 1,48%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra vào tháng 4 vừa qua, NCB đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2021 ở mức 95.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1.000 tỷ đồng, với mức tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, NCB sẽ tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng, song song với việc chú trọng cải thiện các chỉ số liên quan tới hoạt động an toàn và lành mạnh như: tỷ lệ nợ xấu, hệ số CAR, đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của NHNN.
NCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), trước đó là Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên. Navibank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân từ 22/1/2014. Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước công bố danh sách 9 tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có Navibank.
Navibank gắn liền với tên tuổi đại gia Đặng Thành Tâm. Sau khi ông Đặng Thành Tâm rút, nhóm cổ đông nhà ông Nguyễn Tiến Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gami) tham gia vào HĐQT.
Ông Vũ Hồng Nam (một cựu lãnh đạo trong Gami Group), bà Trần Hải Anh (vợ ông Dũng) cùng ông Dũng luân phiên nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này trước khi về tay "người mới".