Cần quan tâm đúng mức tới lực lượng "huyết mạch" trong mùa dịch
Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hơn 3 tháng qua, người tiêu dùng đã quen với việc thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử.
Trong đó, nhân viên giao hàng là một phần quan trọng của mạng lưới cung ứng thương mại. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh, vai trò của lực lượng này càng trở nên vô cùng thiết yếu.
Chị Nguyễn Hương Trà (Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang trong khu vực cách ly chia sẻ, ngay từ khi đợt dịch lần thứ 4 chớm trở lại, gia đình chị đã thường xuyên mua sắm đồ dùng thiết yếu bằng hình thức online.
"Hiện tại, khu vực phường tôi ở đã bị phong tỏa nên mọi nhu cầu về hàng hóa thiết yếu đều phụ thuộc. Tôi đặt đồ và đội ngũ shipper giao hàng đến đầu khu có chốt kiểm soát, sau đó, lực lượng chức năng sẽ chở xe điện vào. Nếu không có shipper chắc cả nhà tôi chết đói", chị Trà cho hay.
Cũng theo chị Trà, ngay cả khi không bị phong tỏa, không phải ai cũng có điều kiện để ra ngoài trực tiếp mua thực phẩm hay các đồ dùng thiết yếu, đặc biệt với các gia đình có người già, trẻ nhỏ. Trong khi đó, nếu đặt mua hàng qua ứng dụng, phía cửa hàng sẽ sắp xếp mọi thứ, hàng hóa được gói sẵn chỉ chờ shipper đến mang đi.
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Đồng nhận định, trong điều kiện thành phố bị cách ly vì dịch bệnh shipper giao hàng là một trong những lực lượng "huyết mạch" giữ cho nền kinh tế vận động.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng đã đến lúc chính quyền cần đặt trọng tâm là bảo vệ những người shipper này. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là việc tiêm ngay vaccine cho các đối tượng là người giao hàng.
"Họ cần được ưu tiên sau lực lượng tuyến đầu chống dịch trực tiếp chứ không nên chờ đợi, cân lên đặt xuống nữa", ông Đồng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cũng cho rằng những người tham gia dọc chuỗi logistics là tuyến đầu phát triển kinh tế, nên được ưu tiên tiêm sớm.
"Một năm trước khi chưa có vaccine thì chưa có biện pháp, còn giờ, chúng ta có rồi, không thể bỏ quên lái xe tải, nhân viên bốc dỡ, đóng gói, người làm hải quan, bán lẻ đến người giao cuối cùng", ông Bình cho hay.
Cần sớm tiêm vaccine cho người giao hàng, lao động ngành logistics
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký văn bản hỏa tốc đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho lái xe, người lao động ngành vận tải và logistics.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về các biện pháp phòng chống dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hóa của nhiều địa phương còn phức tạp, không thống nhất.
Qua đó, tình trạng trên làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa là mạch máu của các hoạt động kinh tế đất nước, trong đó có sản xuất công nghiệp. Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị không phân biệt địa giới, hành chính. Do đó, khi không đảm bảo được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa", Bộ Công Thương cho hay.
Cũng theo nhận định của Bộ Công Thương, do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, nhiều địa phương chưa được ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là ưu tiên tiêm vaccine. Từ đó dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Do đó, trong công văn số 4580 gửi các địa phương, Bộ Công Thương nhấn mạnh, đối tượng cần tập trung ưu tiên tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian trước mắt phải là đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu…
Trước đó, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, khiến người dân phải đến các siêu thị, chợ truyền thống, ra đường gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Do đó, Bộ Công Thương ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn thương mại điện tử tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn của mình.
Để được hoạt động, công ty giao nhận phải đăng ký danh sách nhân viên hoạt động với Sở Giao thông Vận tải. Nhân viên được đăng ký phải có hợp đồng lao động. Sở Giao thông Vận tải sẽ cấp thẻ hoạt động, hoặc tin nhắn xác nhận hoạt động... tùy theo từng địa phương.