Tây Nguyên có thể nói là mảnh đất màu mỡ, là "thiên đường" của hàng vạn nông dân từ các tỉnh phía Bắc. Suốt nhiều năm qua, làn sóng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên trở thành vấn nạn hết sức nhức nhối, phần nào tạo ra tình trạng mất cân bằng trong xã hội, chưa kể góp phần vào thực trạng mất an ninh trật tự...
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, năm 2019 toàn tỉnh có khoảng 3,5 vạn lao động đi làm việc ngoài tỉnh và làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đáng chú ý, các địa phương dẫn đầu về số người ly hương đều thuộc những vùng đất tỷ phú hồ tiêu là các huyện Chư Pưh, Chư Prông, Chư Sê.
Thế nhưng, những năm gần đây khi tình trạng này phần nào vơi đi thì người dân Tây Nguyên lại có cuộc "Nam tiến" diễn ra ồ ạt.
Trong số những người dân "Nam tiến" có cả những người đã từng xem Tây Nguyên là "thiên đường"; từng có thời lén lút vào tận rừng sâu, chấp nhận nhiều nỗi khổ cực để mong đổi đời.
Bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, tâm sự với chúng tôi: "Những ngày qua, tôi cũng có theo dõi những chuyến "hồi hương" của bà con đồng bào Tây Nguyên mình. Đọc loạt bài phóng sự "Dấu lặng từ những cuộc "hồi hương" giữa mùa dịch Covid-19" trên Báo Dân Việt, tôi càng thấy xúc động và thương bà con mình quá".
Bà Loan giải thích: Đắk Lắk có những vùng đất màu mỡ, nhưng cũng có những vùng đất cằn cỗi, chỉ thích hợp với một số loại cây trồng nhất định. Dân số ngày càng tăng, đất đai thì hữu hạn nên không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân.
Hiện tại, tỉnh có rất ít nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Nông sản tới mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào việc tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất sang một số thị trường truyền thống. Kể cả ở khu vực thành thị và nông thôn, số người trong độ tuổi lao động nhiều. Các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh không giải quyết hết hết nguồn lao động tại tỉnh. Vì vậy, nhiều người phải ly hương, tìm việc ở những tỉnh, thành lớn.
Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông lại đánh giá dưới góc độ khác: Người dân Đắk Nông ly hương để "Nam tiến" phần lớn là những gia đình thiếu đất đai sản suất. Thời gian này cũng trùng với thời điểm tiêu, cà phê xuống giá, nhiều nông dân rơi vào cảnh nợ nần, bế tắc. Hơn nữa đối với các loại cây công nghiệp này, nông dân mỗi năm chỉ thu hoạch một lần nên không có thu nhập hàng tháng để chi tiêu.
"Do đó đã có một làn sóng "Nam tiến", người dân tận dụng thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, tích góp để về tái đầu tư", ông Tuấn Anh đánh giá.
Gia Lai là địa phương từng một thời xuất hiện hàng loạt tỷ phú nhờ cây hồ tiêu. Thế nhưng sau năm 2017, làn sóng "Nam tiến" của người dân Gia Lai càng tăng mạnh, cũng chính vì... hồ tiêu.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này, năm 2019 toàn tỉnh có khoảng 3,5 vạn lao động đi làm việc ngoài tỉnh và làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đáng chú ý, các địa phương dẫn đầu về số người ly hương đều thuộc những vùng đất tỷ phú hồ tiêu là các huyện Chư Pưh, Chư Prông, Chư Sê.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, những năm gần đây, do giá tiêu giảm cùng với tình trạng tiêu chết hàng loạt xảy ra ở nhiều địa phương nên đã có một làn sóng "Nam tiến".
Theo ông Hồ Gấm, trước đây, tình trạng này không nhiều, chỉ những năm gần đây khi giá nông sản xuống thấp, thời tiết bất lợi đã khiến đời sống nhiều nông dân gặp khó khăn. Đặc biệt khi giá tiêu rớt mạnh đã khiến ngay cả những ông chủ cũng lâm vào tình cảnh khó khăn do thu không bù được chi.
"Nhiều gia đình lâm vào nợ nần phải bỏ nhà cửa, gửi con cho bố mẹ dắt nhau vào miền Nam mưu sinh, kiếm tiền trả nợ. Khi vào miền Nam, họ cũng chỉ có thể làm lao động phổ thông nên thu nhập không nhiều. Song dù sao thì họ vẫn có việc làm, có thu nhập"- ông Hồ Gấm ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng theo đánh giá của ông Hồ Gấm, đối với nông dân nghèo, khi chấp nhận tha hương cầu thực, cuộc sống của họ khi hồi hương vô cùng khó khăn. Nhiều gia đình có thể vẫn có ruộng vườn, đất đai nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, hầu hết nông dân để có vốn sản xuất đều đã cầm cố đất đai để vay mượn ngân hàng.
Do đó, chắc chắn khi dịch bệnh ổn định người dân sẽ vẫn phải tiếp tục "Nam tiến". Không chỉ lao động phổ thông mà ngay những người có tay nghề cao, họ cũng phải vào Nam mới có việc làm và thu nhập xứng tầm.
Những năm qua, nhà nước đã có nhiều chính sách khoanh nợ, giãn nợ… cho nông dân nhưng việc này không thể thực hiện mãi được. Do đó bài toán về vốn sản xuất cho nông dân thực sự rất khó có lời giải.
Theo ông Hồ Gấm, để nông dân, nhất là khu vực nông thôn có thể ổn định cuộc sống mà không cần phải tha hương thì cần phải có thời gian dài và có chiến lược cụ thể. Trong đó, chính quyền cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp- nhất là các doanh nghiệp về nông nghiệp - đầu tư về địa phương nhằm giải quyết lượng lao động rất dồi dào ở khu vực nông thôn. Đồng thời hỗ trợ nông dân (về cả giống và kỹ thuật) để chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Quang Thái – Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh cho biết: “Để thu hút lao động địa phương, thời gian qua huyện đã triển khai rất nhiều giải pháp và đã có hiệu quả tích cực. Về kêu gọi thu hút đầu tư, đã có nhiều dự án lớn đầu tư tại địa phương góp phần thu hút lao động tại chỗ. Đồng thời, huyện tiến hành xây dựng các chương trình, các dự án liên kết trong nông nghiệp, kéo người dân, con em bản địa tham gia sản xuất nhiều hơn; khuyến khích người dân xây dựng các sản phẩm OCOP góp phần tăng giá trị nông sản”.
Về phía mình, người nông dân cũng cần phải tăng cường liên kết sản xuất, tạo ra những vùng nguyên liệu dồi dào, có chứng nhận. Vì thực trạng hiện nay, đa phần nông dân mạnh ai nấy làm, doanh nghiệp rất khó thu mua được một lượng hàng lớn cùng lúc tại một địa phương.
Đây là một yếu điểm rất lớn khiến giá trị nông sản của nông dân rất thấp.
Bà Lại Thị Loan - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, phân tích thêm: Để sản phẩm nông nghiệp có thể tạo cho người nông dân thu nhập tốt, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ của cả các cơ quan chức năng và người nông dân như: Xây dựng các nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản; kết nối tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài; đa dạng các hình thức giao thương; người dân nuôi- trồng theo quy hoạch vùng sản xuất; sản xuất theo quy chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc; liên kết sản xuất để bán theo đơn hàng, xuất khẩu nông sản và sản phẩm từ nông sản…
Về phía Hội Nông dân bà Lại Thị Loan cho biết, những năm qua, Hội Nông dân có nhiều hình thức, giải pháp để vận động, hướng dẫn nông dân nuôi - trồng theo quy hoạch vùng sản xuất, liên kết sản xuất để thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hình thành các vùng, quy cách sản xuất lớn, từ đó áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời kết nối với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho người dân.
Bên cạnh đó, Hội cũng có nhiều hình thức để có nhiều nguồn vốn hỗ trợ nông dân vay vốn để sản xuất, chăn nuôi; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả mà Hội Nông dân đang xây dựng. Đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chăn nuôi.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã kết nối được với 15 tỉnh, thành phố để đưa bơ, sầu riêng, chôm chôm của Đắk Lắk tiêu thụ tại tỉnh bạn.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, về lâu dài, câu chuyện làm thế nào để ổn định ngành nông nghiệp vẫn đang rất khó. Câu chuyện cung cầu vẫn là một vấn đề hết sức nan giải không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông tập trung đẩy mạnh năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường. Trong đó, tỉnh đang nỗ lực để làm sao đưa được sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử. Mục tiêu là để làm sao mỗi nông dân vừa sản xuất vừa có thể là một chủ thể doanh nghiệp, nắm bắt được nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh của sản phẩm họ làm ra.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, thúc đẩy quá trình này chứ không thể buộc người dân phải làm thế nào, nên ở lại quê nhà để ổn định cuộc sống hay tiếp tục cuộc "Nam tiến" để mưu sinh. Vấn đề chính yếu vẫn do người dân tự quyết định.
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, nhằm tháo gỡ những khó khăn của người dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Đề án tạo việc làm, sử dụng lao động, an sinh xã hội và nhiều vấn đề khác liên quan đến người dân về ở lại địa phương trong thời gian dịch và sau dịch. Hiện đề án này đang được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh xây dựng trình Tỉnh ủy thông qua.
(Còn nữa)
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"