Chỉ trong vòng 1 ngày (3/8), Sở Y tế TP.HCM đã ban hành 3 văn bản "khẩn" liên quan đến "khuyên dùng" thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma). Càng đặc biệt hơn, 3 văn bản này không hề bổ sung cho nhau, mà văn bản sau chỉ để thu hồi văn bản trước…
Theo tìm hiểu, tiền thân của Phytopharma là Công ty thuốc dân tộc Trung ương, tập hợp từ một số cơ sở thuốc Nam, thuốc Bắc sau năm 1975. Doanh nghiệp này sau đó đổi tên thành Công ty Dược liệu cấp I TP.HCM, rồi thành Công ty Dược liệu Trung ương 2.
Năm 2002, Công ty này tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 14 tỷ đồng, có trụ sở chính tại số 24 Nguyễn Thị Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.
Giai đoạn 2008 – 2018, Phytopharma đã thực hiện 5 lần tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 254,6 tỷ đồng.
Theo lời tự giới thiệu trên website, Phytopharma là Công ty chuyên kinh doanh nguyên liệu và thành phần Đông Nam dược, thành phẩm tân dược, dụng cụ y tế thông thường, bao bì hương liệu, mỹ phẩm để hỗ trợ cho việc phát triển dược liệu. Ngoài ra, Phytopharma còn là doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực chẳng liên quan đến dược liệu, như kinh doanh mỹ phẩm, nước hoa, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, vận tải hành khách và hàng hoá, dịch vụ kho bãi, đại lý đổi ngoại tệ, mua bán vật liệu xây dựng và trồng trọt…
Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Phytopharma là ông Nguyễn Công Chiến, sinh năm 1967.
Dù là Công ty cổ phần nhưng cơ cấu cổ đông của Phytopharma khá cô đặc với chỉ 4 cổ đông lớn nắm giữ tới 81,12% cổ phần. Tại ngày 31/12/2020, Công ty TNHH Phytophaco Việt Nam nắm giữ 52,53% cổ phần và là cổ đông lớn nhất; Tổng Công ty Dược Việt Nam nắm giữ 9,89%; ông Nguyễn Đức Thiện nắm giữ 13,49%; Chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Chiến nắm giữ 5,18%.
Đưa thuốc ngoài phác đồ của Bộ Y tế
Trong 2 loại thuốc mà Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn mua điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong công văn 5216, có 1 loại thuốc không có trong phác đồ điều trị mới nhất mà Bộ Y tế vừa ban hành ngày 14/7.
Cụ thể, theo phác đồ 14/7, Bộ Y tế cho biết trong trường hợp bệnh nhân vừa và nặng có sử dụng thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Trong công văn 5216 của Sở Y tế TP.HCM có đưa loại thuốc kháng viêm giống như phác đồ điều trị của Bộ Y tế đưa ra nhưng thuốc chống đông Xarelto (Rivaroxaban) 20mg lại khác với phác đồ.
Tuy nhiên, cá nhân ông Chiến lại đang sở hữu tới 99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Phytophaco Việt Nam (219 tỷ đồng). Như vậy, có thể nói, ông Chiến hiện đang sở hữu gần 68% cổ phần tại Phytopharma.
Phytopharma hiện có 4 Công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Dược liệu TW2 tại Hà Nội, kinh doanh thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế, chế phẩm các loại; Công ty TNHH Dược liệu TW 2 Phytopharma Sài Gòn, kinh doanh thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế; và hai doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản là Công ty cổ phần PHYTO Quang Trung và Công ty TNHH PHYTO Land.
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, Phytopharma đạt 15,21 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 10,6% so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm này chỉ đạt 63,47 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Nợ phải trả ngắn hạn lên đến 5.656 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Phytopharma vẫn duy trì ở mức cao với 7.395 tỷ đồng. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận gộp của Phytopharma khá mỏng nên chỉ lãi trước thuế 36,6 tỷ đồng và lãi ròng 29 tỷ đồng.
Năm 2021, Công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 9.500 tỷ đồng và lãi trước thuế 65 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Phytopharma đã hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Hiện, tổng tài sản của Phytopharma đến cuối tháng 6/2021 đã là 6.573 tỷ đồng, vốn điều lệ vẫn giữ nguyên với con số 254,61 tỷ đồng.
Luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Việc Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị và cá nhân mua các loại thuốc kháng thể của công ty cung cấp là Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 được nêu trong văn bản số 5216 làm cho xã hội nghi ngại, có thể bị vi phạm về sự cạnh tranh trong đấu thầu, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dược phẩm.
Tuy nhiên, luật sư Lê Bá Thường nhận định, trong trường hợp bất khả kháng thì Sở Y tế TP.HCM vẫn có thể chỉ định thầu đối với nhà thầu cho gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách (Điểm a, khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu, văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020).