Dân Việt

Yên Bái: Trồng rau, nuôi lợn sạch, nông dân miền núi có thu nhập khấm khá

Minh Ngọc 06/08/2021 19:00 GMT+7
Hội Nông dân (ND) huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái hiện có 4.698 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 57 chi hội. Trong những năm qua, các cấp Hội ND trên địa bàn huyện đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, lao động sản xuất, qua đó giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Giúp nông dân Trạm Tấu thoát nghèo

Trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Cần (ở bản Lừu 2, xã Hát Lừu) là hội viên nông dân khó khăn của xã. Qua công tác tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với việc được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, gia đình chị đã vay 40 triệu đồng của Ngân hàng CSXH từ nguồn ủy thác của Hội ND huyện để chăn nuôi trâu, bò và lợn. Ngoài ra, chị còn trồng rau sạch để cung cấp cho tiểu thương tại thị trấn Trạm Tấu. Đến nay, mô hình chăn nuôi gia súc, kết hợp trồng rau sạch cho thu nhập mỗi năm trên 170 triệu đồng.

Cùng chung niềm vui, chị Lò Thị Trang (thôn Vũng Tàu, xã Hát Lừu) phấn khởi chia sẻ: Nhờ trồng 1ha lúa nước mà vụ vừa qua thu hoạch được 20 bao thóc. Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn của Hội ND xã, gia đình chị không chỉ trồng lúa mà còn thả nuôi cá, trồng rau, quả trái mùa, nhất là khoai tây.

Có thu nhập khá nhờ trồng rau, nuôi lợn sạch - Ảnh 1.

Gia đình bà Mùa Thị Chu, xã Bản Mù có thu nhập 30 triệu đồng/ha trồng cây sả Java. Ảnh: Minh Ngọc

"Với việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, từ đó xuất hiện nhiều gương sáng làm kinh tế giỏi. Đây chính là động lực để nông dân vùng cao vươn lên vượt qua khó khăn, thi đua phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo".

Ông Vũ Đăng Quỳnh

- Chủ tịch Hội ND huyện Trạm Tấu

"Bây giờ mình đã biết sử dụng điện thoại thông minh, chỉ cần lên mạng quảng cáo, bán sản phẩm nông nghiệp tốt lắm, cứ thu hoạch là có người đặt hay đến tận nhà mua ngay, lắm lúc chưa thu hoạch đã có người đặt trước hết rồi!" - chị Trang vui mừng nói.

Ông Thào A Của - Chủ tịch Hội ND xã Hát Lừu cho biết: Trong thời gian qua, Hội ND huyện Trạm Tấm cùng với xã đã chủ động cử cán bộ về từng thôn bản và cầm tay chỉ việc hướng dẫn nông dân Hát Lừu thực hiện các mô hình kỹ thuật tại chân ruộng. Từ đó, Hội giúp đồng bào tích lũy kinh nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi… góp phần giúp bà con thoát nghèo bền vững. Ông Vũ Đăng Quỳnh - Chủ tịch Hội ND huyện Trạm Tấu cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển kinh tế hộ gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa chủ lực của huyện.

Bước đầu trên địa bàn huyện đã hình thành với các nhóm hộ, vùng sản xuất chuyên canh, như: Mô hình trồng lúa nếp 87, tẻ đỏ, nuôi lợn thương phẩm ở xã Hát Lừu; mô hình nuôi dê ở xã Xà Hồ, xã Bản Công; mô hình trồng khoai sọ ở xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Hát Lừu, Làng Nhì và xã Tà Xi Láng; vùng chuyên canh trồng ngô trên đất nương đồi ở xã Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng; vùng trồng cây sơn tra tại các xã Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Tà Xi Láng, Làng Nhì; các tổ hợp tác chăn nuôi lợn, gà địa phương, gà đen, trồng măng sặt, trồng bí đỏ hồ lô...

Hội "tiếp sức" tạo điểm tựa cho hội viên

Theo ông Quỳnh, việc phát triển các mô hình nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hội viên đã tạo nên một khí thế sôi nổi trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2021, đã có 1.400 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Để "tiếp sức", tạo điểm tựa cho hội viên phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tổ chức dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Theo đó, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện là 1,2 tỷ đồng, triển khai thực hiện ở 12 dự án, với 55 hội viên được vay vốn số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, Hội cũng đã hỗ trợ hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, trong đó mở 36 lớp cho 723 lượt hội viên nông dân và nhân dân, 145 buổi tuyên truyền tại hiện trường sản xuất cho 4.326 lượt người về kỹ thuật trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, phòng hống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi...

"Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện nhân rộng mô hình trồng cây sâm hoàng shin cô lên 3ha ở xã Xà Hồ; mở rộng diện tích mô hình trồng bí xanh thơm tại xã Hát Lừu, thị trấn Trạm Tấu, xã Pá Hu và đưa vào thử nghiệm mô hình trồng bí đỏ hồ lô, trồng cây chanh leo" - ông Quỳnh cho biết.

Các mô hình trồng thử nghiệm giống cây ăn quả giống bơ sáp 034, hồng giòn không hạt FUJU MC1 Nhật Bản, cây lê vàng trên diện tích 6,0ha; mô hình chăm sóc và trồng cây măng sặt trên quy mô 4ha tại xã Túc Đán, Tà Xi Láng, Phình Hồ, Bản Công được các cấp Hội và các ngành chuyên môn của huyện thường xuyên theo dõi kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển.