Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Thay đổi tư duy từ sản xuất sang kinh doanh nông nghiệp

Thi Ngọc Thứ năm, ngày 05/08/2021 05:36 AM (GMT+7)
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp hội viên thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, xây dựng thế hệ nông dân mới có kiến thức, tay nghề, khả năng liên kết trong sản xuất, có khát vọng phát triển.
Bình luận 0

Ngày 3/8, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương chủ trì buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh về kết quả công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.

Hải Dương: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp - Ảnh 1.

Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc với Hội Nông dân tỉnh. (Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cung cấp)

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng ghi nhận những kết quả tích cực của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trong 6 tháng vừa qua; khẳng định, Hoạt động Hội đã góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh trong 6 tháng cuối năm và cả giai đoạn 2021-2026 cần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Ông Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hội viên nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp...

Hội tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng đô thị nông thôn; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tiêu chuẩn VietGap; chuyển đổi số mạnh mẽ để tạo giá trị gia tăng trong sản xuất và thu nhập cho hội viên, nông dân.

Hội Nông dân cần chủ động tham gia tích cực Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do UBND tỉnh Hải Dương chuẩn bị ban hành.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng mong muốn, thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Hội, bồi dưỡng kiến thức, tư duy, phương pháp công tác cho cán bộ hội các cấp, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, bồi dưỡng, giới thiệu hội viên ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp.

Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo, đa dạng các hình thức tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức các cuộc thi trực tuyến, các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền về công tác Hội và phong trào nông dân, tiêu thụ nông sản cho nông dân...phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19.

Công tác kết nạp hội viên được chú trọng với việc kết nạp được 3.895 hội viên mới, nâng tổng số hội viên nông dân trong tỉnh lên 388.047 hội viên. 

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được triển khai rộng khắp với 185.273 hộ đăng ký phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp. Hội đã vận đông thành lập mới 3 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, 14 tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn và 15 mô hình tổ, nhóm liên kết sản xuất.

Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập 445 mô hình sản xuất. Tiêu biểu như các mô hình có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc như Chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cà chua VietGAP ở xã Nhân Huệ (TP Chí Linh), Tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cam VietGAP ở xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện)…

Hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề, tập huấn cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh được triển khai thực hiện thường xuyên, đã có 36.036 hộ hội viên nông dân được vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền 2.408 tỷ đồng từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách, Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hội đã tổ chức 386 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 22.087 lượt hội viên, cung ứng 3.550 tấn phân bón trả chậm, 4.700 tấn thức ăn chăn nuôi, 11.570 cây giống các loại cho nông dân.

Ngoài ra, các cấp Hội nông dân tổ chức kết nối, hỗ trợ tiêu thụ trên 30.000 tấn rau, củ, quả, gần 5.000 tấn gà thịt, cá, trên 1,5 triệu quả trứng gia cầm cho hội viên, nông dân. Một số Hội nông dân huyện (thị xã, thành phố) làm tốt như Cẩm Giàng, Chí Linh, Gia Lộc...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem