Dân Việt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "3 tại chỗ" chỉ áp dụng tối đa 3 tuần, ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp tuyến đầu

Bạch Dương 06/08/2021 20:30 GMT+7
Phản ánh với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 6/8, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã kiến nghị không tiếp tục thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" vì quá bất cập.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sản xuất "3 tại chỗ" chỉ áp dụng tối đa 3 tuần - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đều than khó khi áp dụng "3 tại chỗ" trong thời gian dài. (Ảnh: BYT)

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan cho biết, đơn vị dự kiến ngày 15/8 sẽ bắt đầu sản xuất lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lao động, đơn vị kiến nghị được hoạt động như bình thường, xét nghiệm 1 lần/tuần và nhờ đơn vị y tế hỗ trợ.

Theo bà Bùi Mai Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon, để bố trí đúng theo phương án sản xuất "3 tại chỗ", số lượng công nhân làm việc hiện giảm từ 1.300 xuống còn khoảng 500, kéo theo sản lượng sụt giảm rất nhiều. 

Nếu tiếp tục kéo dài "3 tại chỗ" sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Công ty mong các cấp xem xét lại có cần thực hiện tiếp phương án này nữa không hoặc tìm một phương án khác để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất 100%, đáp ứng nhu cầu khan hiếm hàng hóa của TP cũng như của các tỉnh lân cận.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, riêng về mặt hàng mì ăn liền TP có 2 đơn vị lớn là Acecook và Vifon với sản lượng tổng cộng trên 4 tỷ gói/năm. Do đó, nếu 2 nhà máy này có vấn đề thì sản lượng mì ăn liền của cả nước sẽ bị "đứt gãy" theo.

Bà Chi cho biết, các doanh nghiệp lúc đầu chỉ xác định thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" trong khoảng 1 tháng, hiện nay thời gian kéo dài hơn khiến các doanh nghiệp không thể trụ nổi, người lao động bức bách, sinh hoạt khó khăn. Các doanh nghiệp đều kiến nghị không nên tiếp tục phương án này mà để cho các nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn dịch bệnh.

Theo bà Chi, Hội đã tiếp thu được một số kiến nghị từ các doanh nghiệp. Có đơn vị đề nghị sử dụng 2/3 công nhân. Tuyên truyền cho công nhân khi về thì ở yên trong nhà, nhà máy sẽ đi chợ cho công nhân của mình. Toàn bộ công nhân phải được "phủ vaccine" để đảm bảo an toàn. 

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tính phương án sản xuất 50%, công nhân đi ca 15 ngày thì sẽ cho nghỉ 1 tuần, sau đó sẽ xét nghiệm trước khi vào làm việc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, phương án "3 tại chỗ" chỉ có thể áp dụng tối đa 3 tuần, không thể áp dụng giống như trường hợp 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang vì phương án cứng rắn này chỉ là giải pháp tạm thời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sản xuất "3 tại chỗ" chỉ áp dụng tối đa 3 tuần - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo sản xuất an toàn. (Ảnh: Lê Tuyết)

Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM phân loại các nhà máy buộc phải duy trì sản xuất (vật tư y tế, lương thực, thực phẩm) phải coi như tuyến đầu, ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên. 

Những doanh nghiệp quan trọng hàng đầu thì nên tạo điều kiện để họ chủ động hợp tác với các đơn vị y tế tư nhân để làm nhiệm vụ giám sát y tế ngay tại nhà xưởng và chỗ ở của công nhân, bất kể ai có triệu chứng bệnh gì phải có bác sĩ khám ngay.

"Công ty phải nắm rõ được bao nhiêu công nhân đang ở trong "vùng xanh", bao nhiêu ở "vùng đỏ" thì mới có phương án sản xuất phù hợp. Nếu công nhân ở "vùng đỏ" thì công ty có thể thuê nhà trọ hoặc ở tại công ty số lượng ít", Phó Thủ tướng đề nghị.