TP.HCM: Những nỗi lo của doanh nghiệp sau 15 ngày '3 tại chỗ'

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 04/08/2021 18:27 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp tại TP.HCM đối mặt bài toán tổng chi phí tăng gấp nhiều lần khi thực hiện "3 tại chỗ", trong khi sản lượng giảm, vì không thể đảm bảo đủ nhân công làm việc như trước.
Bình luận 0

Sau khoảng nửa tháng thực hiện "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM cho biết đã bắt đầu gặp một số khó khăn.

Chi phí tăng nhiều lần khi "3 tại chỗ"

Ông Đoàn Võ Khang Duy- phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM - cho rằng: "3 tại chỗ" mà các doanh nghiệp đang áp dụng, chỉ có thể là giải pháp tình thế và doanh nghiệp duy trì tối đa khoảng một tháng. Nguyên nhân là các nhà máy chỉ được thiết kế để phục vụ hoạt động sản xuất, không có chức năng ở hay sinh hoạt cho người lao động.

Ông Duy đánh giá, nếu "3 tại chỗ" quá lâu khiến tâm lý người lao động trở nên bức bối, sản xuất cũng khó có hiệu quả.

Doanh nghiệp lo lắng sau nửa tháng "3 tại chỗ", TP.HCM tính phương án gỡ khó - Ảnh 1.

Tổng chi phí khi thực hiện "3 tại chỗ" tăng gấp nhiều lần khiến doanh nghiệp gặp khó. Ảnh: Minh Hưng.

Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM Phạm Văn Việt cũng xác nhận: Đến nay, số lượng doanh nghiệp trong ngành đáp ứng được "3 tại chỗ" chưa nhiều, dù dệt may là một trong những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn. Theo ông, với tình hình dịch diễn biến phức tạp, tâm lý người lao động muốn về quê, nên doanh nghiệp sản xuất càng gặp khó khăn.

Các doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm cũng đối mặt vấn đề này. Đại diện một doanh nghiệp xác nhận gần đây, khi các tỉnh thành có chủ trương đón người lao động về địa phương, công nhân có phần xao động, khiến doanh nghiệp phải làm thêm nhiệm vụ "dân vận", động viên tinh thần người lao động.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM -  cho biết: Gần đây, dịch đã xâm nhập vào một số nhà máy, dù doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 địa điểm", tuân thủ đúng các yêu cầu từ cơ quan y tế. Nguy cơ ngừng sản xuất bất cứ lúc nào, vì Covid-19 khiến doanh nghiệp lo lắng.

Cùng với nỗi lo về sức khỏe cho người lao động, doanh nghiệp còn đối mặt bài toán chi phí sản xuất đang đội lên quá cao khi "3 tại chỗ". 

Theo bà Chi, doanh nghiệp phải gồng gánh nhiều khoản chi phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, như: chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, chi phí nguyên vật liệu sản xuất tăng...

Các doanh nghiệp tính toán, tổng chi phí khi thực hiện "3 tại chỗ" tăng gấp nhiều lần so với trước trong khi đó tổng sản lượng giảm hơn 50%, vì không thể đảm bảo đủ 100% nhân công làm việc như trước, năng suất lao động cũng giảm do tâm lý bất an.

 Đề xuất xây dựng khu lưu trú dã chiến?

Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, dệt may, lương thực thực phẩm… cho rằng với vai trò trọng yếu của ngành, nếu tình trạng này còn tiếp tục thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng như kinh tế.

Hội lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM cần thành lập "tổ phản ứng nhanh", với sự tham gia của lãnh đạo TP, Sở Y tế, Sở Công Thương và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để nhanh chóng tiếp nhận và xử lý khó khăn của doanh nghiệp sản xuất.

Doanh nghiệp lo lắng sau nửa tháng "3 tại chỗ", TP.HCM tính phương án gỡ khó - Ảnh 3.

TP.HCM đã chỉ đạo thành lập nhóm xử lý nhanh các vướng mắc của doanh nghiệp. Ảnh: DNCC.

Tổ hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc, cách ly các trường hợp nguy cơ cao ra khỏi nhà máy và bóc tách, phân lập, đánh giá nhóm đối tượng đưa vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để có thể đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất, người lao động an tâm hơn khi làm việc.

Đối với các ngành sản xuất, xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động hơn theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 để doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất. Các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất, đáp ứng đơn hàng tăng cao dịp cuối năm.

Tại buổi gặp mặt với các doanh nghiệp hôm 31/7, phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố (TP) đã chỉ đạo thành lập nhóm xử lý nhanh các vướng mắc của doanh nghiệp với sự tham gia của lãnh đạo các hiệp hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP, tổ tư vấn của TP. 

Về mô hình sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến", ông nêu quan điểm không nhất thiết gò bó theo hai phương thức này. Nếu từng loại hình doanh nghiệp có phương thức bảo đảm sản xuất an toàn thì có thể đề xuất. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM sẽ chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện cùng với ngành chức năng thẩm định và vận hành theo phương thức đó.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh dù phương thức nào thì cũng phải dựa trên nguyên tắc làm sao thực sự giảm tiếp xúc, giảm lây nhiễm để chăm lo đời sống, sức khỏe về vật chất, tinh thần cho người lao động. 

Về lâu dài, ông cho hay, TP đang đề nghị ngành xây dựng nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân như tại Singapore để có khu lưu trú dã chiến, đáp ứng điều kiện sinh hoạt kéo dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem