Sáng 8/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết đang phối hợp với phòng An ninh - Chính trị nội bộ - Công an TP.HCM, khẩn trương xác minh các vấn đề liên quan đến nội dung thông tin đăng tải và nhân thân của bác sĩ này.
Đại diện Bệnh viện Từ Dũ cũng xác nhận: Hình ảnh hai em bé sơ sinh lan truyền trên mạng là hình trong ca mổ của bác sĩ Cao Hữu Thịnh (công tác tại Bệnh viện Từ Dũ) thực hiện tại Bệnh viện An Sinh, bị sử dụng ghép vào nội dung không có thật.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Khoa Lý - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức) - khẳng định: Không có ca nào mổ song sinh tại bệnh viện, cũng như các bệnh viện dã chiến mà đơn vị đang quản lý.
"Chúng tôi chưa mổ ca nào song sinh cả, các bệnh viện dã chiến không thể nào mổ được mà phải chuyển đến các bệnh viện chuyên về điều trị Covid-19 như Đa khoa khu vực Thủ Đức và Quân dân y miền Đông" - bác sĩ Lý nói.
Trao đổi vào sáng 8/8, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc điều hành Bệnh viện hồi sức Covid-19 - xác nhận thông tin nêu trên là giả. Bệnh viện không có bác sĩ nào tên Khoa và không có ca sinh mổ nào tại bệnh viện.
Trước đó, tối 7/8 trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa.
Theo nội dung lan truyền, vị bác sĩ tên là Khoa này đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Ngoài ra còn có hình ảnh 2 bé song sinh được lan truyền, được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật.
Thông tin này sau khi đăng tải được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội cùng với nhiều sự cảm thông chia sẻ và tôn vinh của cộng đồng mạng, song cũng gây ra không ít hoài nghi...
Trao đổi với PV báo Dân Việt vào sáng ngày 8/8, lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cho biết, Sở đã nắm được vụ việc này. Các bộ phân chuyên môn của Sở đang phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh sự vụ về lĩnh vực thông tin, truyền thông, để có biện pháp xử lý.