Dân Việt

Cán bộ chốt kiểm soát dịch hỗ trợ đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời, thoát hiểm trong gang tấc

Mỹ Quỳnh 09/08/2021 19:42 GMT+7
Vì người chồng bệnh trở nặng, liên tục ho ra máu nhưng không thể gọi xe cứu thương để đưa đi cấp cứu, bà Lý đành chạy ra chốt kiểm soát dịch nhờ hỗ trợ. Hai chiến sĩ tại chốt đã khẩn trương gọi xe đồng thời dẫn đường để đưa bệnh nhân kịp thời đến bệnh viện cấp cứu, thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc.

Ngày 9/8, Công an TP.HCM cho biết, Trung úy Nguyễn Đình Phước (công an phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) và đồng chí Trần Thái Sơn (dân quân KP3, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) vừa nhận được lá thư cảm ơn rất xúc động của bà Phạm Thị Lý (sinh năm 1968, quê Quảng Ngãi).

Được biết, bà Lý có chồng bị ung thư vòm họng đã 5 năm nay. Hàng tháng, bà đều khăn gói đưa chồng vào bệnh viện Ung bướu để xạ trị. Cuối tháng 5/2021, thành phố áp dụng giãn cách xã hội nên vợ chồng bà bị "mắc kẹt" lại TP.HCM.

Để thuận tiện cho việc xạ trị, hai vợ chồng bà đã thuê một phòng trọ gần bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) để ở. Trong thời gian đó, vợ chồng bà cũng như nhiều bệnh nhân nghèo đang lưu trú tại đây thường xuyên được Trung úy Nguyễn Đình Phước và các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm như sữa, gạo, mì tôm, rau củ quả... để sống qua ngày. Nhờ vậy, bà Lý nhớ mặt Trung úy Phước.

Ngày 17/7, bệnh tình chồng bà Lý bất ngờ trở nặng, liên tục ho ra máu. Bà lập tức gọi xe cấp cứu để đưa chồng đi bệnh viện nhưng không thể gọi được. Trong lúc bối rối, không biết xoay xở như thế nào, bà làm liều chạy ra chốt kiểm soát dịch 225A (phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) - nơi Trung úy Nguyễn Đình Phước trực để nhờ giúp đỡ.

Giúp chồng thoát khỏi cửa tử trong gang tấc, người phụ nữ viết thư cám ơn cán bộ chốt kiểm soát dịch - Ảnh 2.

Hai chiến sĩ tại chốt kiểm soát hỗ trợ chồng bà Phạm Thị Lý lên xe cấp cứu và dẫn đường để xe đi nhanh nhất đến bệnh viện, kịp thời cứu bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm. (Ảnh: CATP)

Lập tức, Trung úy Nguyễn Đình Phước và anh Trần Thái Sơn khuyên bà Lý bình tĩnh, đồng thời nhanh chóng liên lạc đường dây nóng để gọi xe cấp cứu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc gọi xe cấp cứu rất khó khăn, sau một thời gian cố gắng, hai anh cũng liên lạc được một xe đang hoạt động trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Bà Lý kể: "Khi xe cấp cứu đến nơi thì tình hình chồng tôi đã rất nguy kịch. Trong khi đó, tài xế chủ yếu hoạt động trên địa bàn quận Phú Nhuận nên không rành đường ở TP.Thủ Đức, bản thân tôi lại càng không biết đường. May mắn, Trung úy Phước đã linh động hỗ trợ dẫn đường nên chồng tôi mới được đưa đến cấp cứu kịp thời. Hôm đó, nếu hai anh không giúp gọi xe cứu thương, không dẫn đường để đi nhanh nhất tới bệnh viện thì chắc chồng tôi đã không qua khỏi rồi" - bà Lý xúc động.

Giúp chồng thoát khỏi cửa tử trong gang tấc, người phụ nữ viết thư cám ơn cán bộ chốt kiểm soát dịch - Ảnh 3.

Lá thư tay của cảm ơn của bà Phạm Thị Lý gửi hai chiến sĩ tại chốt kiểm soát dịch. (Ảnh: CATP)

Được biết, sau khi xuất viện trở về phòng trọ, hai chiến sĩ Phước và Sơn vẫn nhiệt tình giúp đỡ vợ chồng bà. Trung úy Phước thường xuyên tặng nhu yếu phẩm còn anh Sơn hỗ trợ đưa chồng bà đi xạ trị. "Bệnh viện cho điều trị ngoại trú mà chồng tôi thì yếu lắm, đi không nổi. Mỗi lần vào thuốc đều do anh Sơn đưa đi đón về. Ngày nào hai anh cũng hỏi thăm, động viên và dặn dò cần gì cứ gọi. Khi sức khỏe của chồng tôi suy yếu, có nguyện vọng nhìn thấy quê hương Quảng Ngãi lần cuối, hai anh đã hướng dẫn làm thủ tục, xin giấy thông hành, hỗ trợ đưa đi test Covid-19… Ngày vợ chồng tôi về, trời đổ mưa to nhưng hai anh không nề hà vất vả mà vẫn chạy tới giúp cho tôi kịp lên xe" - bà Lý nói.

Cảm kích trước những việc làm của hai chiến sĩ, sau khi về quê bà Lý đã viết một bức thư tay để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Trong lá thư chất phác này, bà Lý gởi lời cám ơn đến hai chiến sĩ Trần Thái Sơn và Nguyễn Đình Phước vì đã hỗ trợ, giúp chồng bà kịp thời cấp cứu tại bệnh viện nên qua cơn nguy kịch. Đồng thời, bà cũng muốn gởi lời cám ơn đến toàn thể lực lượng công an và lực lượng dân quân đã hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật trong mùa dịch bệnh.

Nhận được lá thư này, Trung úy Nguyễn Đình Phước cho biết, là cán bộ trực chốt tại khu vực được phân công nên anh phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Đây là điều bình thường và ai cũng sẽ hành động như vậy. Ngoài ra, khi biết chú sức khỏe suy yếu, anh và anh Sơn đã hướng dẫn cô chú một số thủ tục để đảm bảo về công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời liên hệ các đoàn ngoài Quảng Ngãi để cô chú được về quê sớm.

Còn anh Trần Thái Sơn cho biết, là con người ai cũng có lòng thương, do vậy giúp được ai thì sẽ cố gắng giúp thôi đỡ.