Mảnh đất Tràng An vốn nổi tiếng bởi những con người thanh lịch, hào hoa. Họ cũng đa tài, khéo léo, tinh tế trong cách ứng xử, cách thưởng thức ẩm thực, nghệ thuật và các thú vui trong cuộc sống.
"Người Hà Nội còn giàu lòng nhân ái và trắc ẩn. Điều này thể hiện ở cách con người ứng xử với thiên nhiên, cao hơn nữa là con người với con người. Người dân nơi đây sống hòa đồng, chan hòa, thân thiện. Họ đặc biệt hiểu rõ mối liên quan khăng khít của "Nhà – Làng – Nước", tính cộng đồng, ý thức với xã hội luôn được đề cao rõ rệt" - Tiến sĩ, chuyên gia văn hóa Trần Hữu Sơn khẳng định.
Theo thời gian, nét văn hóa của người Hà Nội ngày càng được mở rộng khi mảnh đất này mở lòng đón khách thập phương về học tập, làm ăn rồi sinh sống lâu dài. Hà Nội luôn chứng kiến cuộc giao thoa giữa các đặc trưng của người Hà Nội "gốc" và người dân nhập cư. Những người tới Hà Nội mỗi năm lại mang cả thói quen, văn hóa, cách sống, cách ứng xử từ vùng quê của họ.
Có thể nói, thủ đô Hà Nội hội tụ tất cả tinh hoa của người Việt. Trong một bài viết, cố PGS. Vũ Ngọc Khánh từng khẳng định: "Hà Nội có cái duyên dáng của Bắc Ninh, cái cứng cỏi của Nghệ Tĩnh, cái phóng khoáng của Nam Bộ, cái chân chất của những xứ Thượng xa gần".
Guồng quay tấp nập của cuộc sống hiện đại với sự phát triển của công nghệ thông tin khiến người Hà Nội ngày càng bận rộn hơn, qua đó nếp sống, nếp nghĩ cũng có nhiều thay đổi. Đã không ít người buồn lòng khi chứng kiến những cuộc cãi lộn đầy ngôn từ tục tĩu trên phố, trong các sạp hàng hay vụ tai nạn giao thông... Thế hệ trẻ ngày càng giới hạn không gian của mình bởi sự tác động của công nghệ thông tin. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu người Hà Nội hôm nay có trở nên thờ ơ và vô cảm hơn? Văn hóa ứng xử của người Hà Nội có đang bị mai một và mất đi những tinh hoa vốn có?
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống của người dân Thủ đô. Thay vì nếp sống nhộn nhịp thường lệ, họ dần phải thích nghi với quãng thời gian giãn cách xã hội với nhiều thay đổi. Thế nhưng, chính những khó khăn này đã một lần nữa khiến vẻ đẹp tâm hồn của người Tràng An tỏa sáng. Họ cùng nhau đoàn kết một lòng, san sẻ yêu thương và quyết tâm chiến thắng nghịch cảnh.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ, chuyên gia văn hóa Trần Hữu Sơn cho rằng, đây là truyền thống nhân văn vốn có của người Hà Nội cũng như người dân nước Việt: "Mỗi khi đứng trước những khó khăn, thử thách lớn lao như chiến tranh, dịch bệnh thì những nét tinh hoa của người Hà Nội lại tỏa sáng. Họ tương thân tương ái, bao dung, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Điều đó bộc lộ trên nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Trong nhiều truyền thuyết, huyền thoại như: "Con Rồng, cháu Tiên", "Thánh Gióng", "Sơn Tinh - Thủy Tinh", nền văn hóa cộng đồng đã được khẳng định... Qua đó, ta thấy một dân tộc mà ngay từ khi khởi nguồn đã gắn bó với nhau bằng nghĩa tình đồng bào. Truyền thống ấy luôn được người Hà Nội thấm nhuần và thể hiện ở các cuộc chiến đấu dọc chiều dài lịch sử. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, người Hà Nội cưu mang, đùm bọc, chi viện cho các tỉnh thành phố khác. Những thanh niên anh dũng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm đều từ Thủ đô lên đường giải phóng miền Nam, nhằm mục tiêu thống nhất đất nước, mang lại hòa bình trên toàn lãnh thổ".
Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", thủ đô Hà Nội lại đang bước vào một cuộc chiến mới - cuộc chiến chống dịch Covid-19. Những ngày này, con người nơi đây bảo nhau "ở nhà là yêu nước", họ ít tập trung, ít qua lại, nhưng không vì thế mà tình yêu thương họ dành cho nhau bị "giãn cách" hay gián đoạn.
"Trong những ngày giãn cách xã hội này, nét văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiển hiện rõ ràng trong từng hành động. Ta có thể bắt gặp những câu chuyện nhân văn ở bất cứ nơi đâu. Đó là những người dân giúp nhau đi chợ trong khu phố có người bị cách ly. Đó là từng bữa cơm ngon mỗi gia đình nấu gửi tới những hoàn cảnh khó khăn, các y, bác sĩ lực lượng tuyến đầu. Đó cũng là gần 1000 "chiến sĩ áo trắng" từ các bệnh viện lớn tại Hà Nội xung phong vào miền Nam chống dịch…Trong gian khó, người Hà Nội vẫn lạc quan, vẫn vững tin. Họ truyền niềm tin, lòng quyết tâm cho nhau trong những câu hát, từng bức vẽ, vần thơ… Tất cả những điều ấy góp phần thể hiện một Hà Nội đầy thanh lịch và nhân văn, một Hà Nội đoàn kết và gắn bó", Tiến sĩ Trần Hữu Sơn chia sẻ.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dường như khiến Hà Nội trở nên chậm rãi và tĩnh lặng hơn, thế nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra rằng mạch nguồn văn hóa truyền thống ngàn năm của mảnh đất Thăng Long vẫn ngấm sâu trong tiềm thức mỗi người. Khi được khơi dậy, mạch nguồn ấy vẫn luôn tỏa sáng và lan rộng.