Hà Nội: Ấm áp tình người trong đại dịch Covid-19: Trẻ em chung tay vẽ ước mơ về thế giới không virus (bài 2)
Khánh Yến
Thứ năm, ngày 05/08/2021 08:58 AM (GMT+7)
"Tranh của trẻ em luôn có nét đẹp riêng của sự khoáng đạt, trong sáng, khi nó không gặp phải bất kỳ rào cản về tâm lý, tư duy, hoàn toàn xuất phát từ tiềm thức mỗi con người", họa sĩ Phan An Hải chia sẻ.
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống dân sinh. Có những thời điểm, mọi hoạt động tại thủ đô Hà Nội rất khó khăn vì tỷ lệ ca nhiễm mới tăng cao.
Tuy nhiên, giữa lúc khó khăn nhất, người Hà Nội luôn toát lên "tinh thần Tràng An" vốn có. Họ kêu gọi nhau ủng hộ từng lọ nước rửa tay sát khuẩn, từng chiếc khẩu trang, từng bữa ăn cho các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ ca hát, vẽ tranh để động viên nhau vững trí, vững lòng. Họ gửi yêu thương tới miền Nam trong những ngày cả nước một lòng vượt qua gian khó.
Những nét ứng xử nhân văn ấy làm toát lên một tinh thần Tràng An thanh lịch của mảnh đất Thăng Long văn hiến ngàn đời.
Dân Việt có chùm bài viết mang tên "Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19" để chia sẻ với độc giả những câu chuyện đầy ý nghĩa này.
Khi những "họa sĩ nhí" cầm cọ chống virus
Bé Nguyễn Phương Vy (9 tuổi) hiện đang là học sinh lớp 4 tại trường tiểu học Newton Goldmart, Cầu Giấy, Hà Nội. Thời điểm này mọi năm, cô bé đang cùng mẹ tới hiệu sách để mua sắm các dụng cụ học tập cần thiết cho một năm học mới. Thế nhưng, hiện tại, mọi dự định của Vy cũng như của các bạn em đã phải tạm gác lại…
Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến Phương Vy buộc phải giới hạn không gian sinh hoạt trong ngôi nhà của gia đình em tại con đường Duy Tân (Cầu Giấy). Thứ giúp em kết nối với thế giới bên ngoài chính là hội họa. Phương Vy yêu vẽ và ham vẽ từ năm 4 tuổi. Niềm hạnh phúc của cô bé chính là tạo ra những không gian mơ ước trong các bức tranh, thông qua trí tưởng tượng của mình.
Trong bức tranh "Công viên màu xanh", Phương Vy vẽ cảnh em cùng mẹ và các bạn đi trồng cây sau khi dịch bệnh đi qua: "Em mong chúng em sẽ sớm được gặp nhau và làm những hành động ý nghĩa để bảo vệ môi trường sống. Không khí trong lành cũng là cách giúp con người chúng ta đẩy lùi dịch bệnh. Trong tranh, em vẽ mọi người đều đeo khẩu trang, bởi theo em, khẩu trang cần thiết cho chúng ta dù ở bất cứ thời điểm nào đi chăng nữa".
Trong khi đó, em Tô Trang Anh (lớp 8A3 trường Thanh Xuân, Hà Nội) lại dồn tâm huyết để vẽ tranh cổ động các bác sĩ tuyến đầu. Chia sẻ với PV Dân Việt, Trang Anh cho biết: "Khi vẽ bức tranh này, em đã nghĩ rằng em và các bạn hiện giờ đều đang ở trong nhà, giống như được bảo vệ trong một chiếc lồng vậy. Các y, bác sĩ thì vẫn phải ở ngoài, đương đầu với nhiều khó khăn để phòng dịch bệnh. Bác sĩ là người giúp chúng ta sống trong chiếc lồng đó thật an toàn, và cũng sẽ là người đưa chúng ta ra ngoài khi dịch Covid-19 chấm dứt". Bức tranh của Trang Anh vẽ mùa giãn cách đã nhận được nhiều lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội vì lan tỏa thông điệp tích cực đến mọi người.
Trang Anh thích màu sắc từ hồi nhỏ xíu và bắt đầu học vẽ vào năm lớp 1. Hai năm nay, khi không còn đến lớp vẽ, cô bé tự tìm hiểu về hội họa và đọc nhiều về cuộc đời các họa sĩ nổi tiếng. Theo Trang Anh, bức tranh đẹp nhìn tổng thể phải thấy được sự hài hòa về bố cục, màu sắc. Điều quan trọng hơn cả, theo em, đó là người xem sẽ nảy sinh cảm xúc khi chiêm ngưỡng nó.
Trang Anh rất yêu Hà Nội. Những ngày giãn cách, nỗi nhớ lớn nhất của em là những buổi chiều cùng mẹ lòng vòng phố cổ: "Hà Nội với em rất đẹp, đi qua những con phố bình thường thôi em cũng thấy đầy màu sắc và đường nét. Những khung cảnh lộn xộn với em đều dễ chịu, thân quen. Hiện giờ, trong thời gian giãn cách, nhiều con phố vắng vẻ thoạt nhìn rất bình yên, nhưng em vẫn nhớ một Hà Nội vui vẻ nói cười như thường nhật".
Sắp tới, Trang Anh cho biết em sẽ tiếp tục vẽ về sự lạc quan của những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch: "Trong các video trên mạng, em nhận thấy các bác sĩ dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian hiếm hoi để trêu đùa một chú chó, vui vẻ cạo đầu rồi đi vào vùng dịch… Những hình ảnh ấy truyền cảm hứng cho em, em muốn vẽ để lan tỏa những điều tốt đẹp đó".
Bé Xoài (Nguyễn Tùng Xoài – 5 tuổi), cháu của họa sĩ nổi tiếng Phan An Hải lại dùng trí tưởng tượng của em vẽ lên không gian sinh động của những ngày giãn cách. Trong bức tranh tràn ngập những gam màu tươi sáng của em, mỗi người đều đang đứng trong một ô cửa riêng, nhằm đảm bảo sự an toàn trong mùa dịch.
Họa sĩ Phan An Hải cho biết: "Xoài thích vẽ từ nhỏ, bởi truyền thống cả gia đình tôi, từ ông, bà, bác, cha mẹ cháu đều làm họa sĩ. Từ 3 tuổi, Xoài đã hí hoáy vẽ và dành rất nhiều thời gian để vẽ mỗi ngày. Tuy vậy, khi nhìn bức tranh vẽ những ngày giãn cách của cháu tôi cũng đã rất ngạc nhiên. Tôi không nghĩ cháu đã hình thành được những suy nghĩ về giãn cách rất người lớn như vậy".
Một triển lãm tranh online mang tên "Bé vẽ Hà Nội 2021" của 12 bạn nhỏ là thành viên tích cực của nhóm Urban Sketchers Hanoi (nhóm Ký họa đô thị Hà Nội) cũng đã được tổ chức nhân ngày Quốc tế thiếu nhi và Tháng hành động vì trẻ em 1/6. Câu chuyện phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được các em phản ánh qua những bức tranh mang tinh thần trong sáng, lạc quan, gửi gắm khát vọng chiến thắng virus và ao ước trở lại cuộc sống thường nhật.
Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, trưởng nhóm "Ký họa đô thị Hà Nội" (USK) cho biết: "Bé vẽ Hà Nội" là một trong những hoạt động thường niêncủa 14 em thiếu nhi trong nhóm: "Nhóm của chúng tôi bao gồm các thành viên yêu Hà Nội, yêu cái đẹp và mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa đô thị thông qua ký họa - một hình thức ghi nhật ký đô thị bằng ký họa. Thành viên tham gia gồm nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, trong đó có không ít các em nhỏ. Các em được học vẽ tranh miễn phí, tham gia các buổi sinh hoạt của nhóm, lắng nghe các câu chuyện về văn hóa, lịch sử Hà Nội, được thưởng thức và nghe kể về các món ăn, đặc sản, các phong tục tập quán... Cũng bởi vậy, tranh do các em sáng tác đều sống động và giàu sự sáng tạo".
Hiện tại, các em nhỏ trong nhóm "Ký họa đô thị Hà Nội" đang tiếp tục tham gia vẽ về các món ăn Hà Nội, trong một chiến dịch mang tên "Quyết chiến Covid-19". Thông qua nét vẽ của các em, những tinh hoa ẩm thực của Hà Nội hiện lên vô cùng sinh động, cuốn hút. Chị Thủy cho biết: "Thông điệp lớn nhất mà nhóm "Ký họa đô thị Hà Nội" muốn gửi gắm qua các bức tranh chính là: "Hãy bình tĩnh, tin vào chính mình, hãy nuôi dưỡng tình yêu và đam mê của mỗi người như nuôi dưỡng niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất đang chờ đón".
Tái hiện lại công cuộc chống "Covid-19" như một nhật ký bằng tranh
Theo Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, những tác phẩm của thiếu nhi được sáng tác trên nhiều chất liệu, nhiều thể loại đã mang đến cho công chúng cái nhìn đa chiều về đời sống của người Hà Nội trong dịch bệnh. "Cuộc sống trong “cuộc chiến chống Covid” thông qua bức tranh của các tác giả đã được tái hiện như một dạng nhật ký. Mỗi tác phẩm mà các em vẽ sẽ giúp chúng ta ghi nhớ khoảng thời gian này và sẽ bình tĩnh hơn trước những khó khăn khác của cuộc sống về sau" - chị Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, họa sĩ Phan An Hải cho rằng: "Tranh của trẻ em luôn có nét đẹp riêng của sự khoáng đạt, trong sáng, khi nó không gặp phải bất kỳ rào cản về tâm lý, tư duy, hoàn toàn xuất phát từ tiềm thức mỗi con người. Sự trong trẻo ấy khiến chúng ta thêm yêu đời, yêu cuộc sống này hơn".
----------
Những thông điệp đầy lạc quan, hi vọng được thể hiện một cách sáng tạo qua những bức tranh của thiếu nhi Thủ đô thể hiện phần nào sự tiếp nối những nét tinh hoa, thanh lịch của người Tràng An qua từng thế hệ. Dẫu cuộc sống còn những biến động, khó khăn, người Hà Nội vẫn không ngừng yêu cái đẹp, vun đắp tâm hồn và thế giới quan xung quanh mình. Thiết nghĩ, đó cũng chính là cách bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cha ông ta đã để lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.