LTS: Tiếp theo loạt bài về doanh nghiệp "3 tại chỗ" với chi phí tiền điện, phí xét nghiệm Covid-19 và loạt chi phí khác đội lên quá cao, doanh nghiệp ở Bình Dương đã liên hệ với Dân Việt phản ánh về những bất cập của doanh nghiệp "3 tại chỗ" và cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như chính sách, chủ trương của Chính phủ nếu không doanh nghiệp khó có thể duy trì.
Sản xuất "3 tại chỗ" lộ nhiều bất cập
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tấn công sâu vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM và các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai... khiến hàng nghìn công nhân nhiễm bệnh.
Để đảm bảo phòng chống dịch, nhưng không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, Chính phủ đã đề ra phương án sản xuất "3 tại chỗ" (sản xuất – ăn – nghỉ tại chỗ) và "1 cung đường, 2 điểm đến" (doanh nghiệp bố trí chỗ ăn nghỉ cho công nhân, người lao động ở cùng một địa điểm, tổ chức sản xuất tại một địa điểm và đưa đón họ trên một tuyến đường).
Tại tỉnh Bình Dương đã có 3.900 doanh nghiệp, với hơn 400.000 lao động đăng ký và đủ điều kiện thực hiện các phương án trên để sản xuất. Bước đầu, các phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" cho thấy, đây là giải pháp hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn hoạt động, phương án sản xuất "3 tại chỗ" đã bộc lộ nhiều bất cập về vấn đề chi phí. Mặt khác, phương án này cũng chưa thể ngăn chặn được dịch bệnh xâm nhập vào nhà xưởng, công ty.
Ông Đỗ Quang Tùng - Trưởng phòng quản lý nhân sự - Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN VSIP 2) - cho biết: Công ty có 100% vốn Nhật Bản, với hơn 6.000 công nhân. Công ty thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" từ ngày 19/7.
Tuy nhiên, ngày 22/7, công ty xuất hiện ca F0 nên phải thực hiện ngừng sản xuất toàn bộ các phân xưởng đến ngày 9/8. Từ ngày 10/8, công ty chính thức hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" với hơn 3.000 công nhân sản xuất.
Nhìn chung, doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch như: chia nhỏ các ca làm việc, xét nghiệm sàng lọc, tận dụng khu nhà xưởng, nhà xe công ty để làm chỗ ở cho công nhân.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc hiện nay, khi áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" đã đẩy chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều. Công nhân khi ở lại phải tắm rửa, sinh hoạt, bên trong phòng ở của công nhân phải luôn có đèn chiếu sáng, quạt, điều hoà...Thế nên, chi phí về tiền điện là một trong những chi phí đè nặng lên quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong việc áp dụng "3 tại chỗ".
Đặc biệt, hiện nay giá điện không giảm, trong khi lượng thành phẩm xuất đi không được nhiều khiến các doanh nghiệp phải gồng gánh hàng tỷ đồng mỗi tháng. Ngoài ra, chi phí y tế để phục vụ cho công tác test nhanh định kỳ hàng tuần cho công nhân cũng khiến các doanh nghiệp phải "đau đầu".
Ngoài ra, công tác tiêm vaccine cho người lao động chưa được thực hiện nên công nhân không an tâm làm việc. Nhân lực thiếu nên nhà máy phải giảm công suất hoạt động, khiến đơn hàng ký kết với đối tác không thể hoàn thành theo tiến độ dẫn đến thiệt hại rất lớn cho công ty.
Chia sẻ với PV, ông Trần Thành Trọng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX. Bến Cát, tỉnh Bình Dương) - cho biết: Sau gần 15 ngày thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp bắt đầu phát sinh nhiều khó khăn, rắc rối.
Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, nhưng việc tiêu thụ gặp khó khăn. Đặc biệt, trong khâu chuyển giao, đi lắp đặt cho đối tác, khách hàng bị ngưng trệ do giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhập về bị hạn chế do cảng Cát Lái bị quá tải; điều này khiến doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" là để duy trì sản xuất trong mùa dịch chứ không có lãi. Chi phí phát sinh rất nhiều từ việc lo ăn, ở cho công nhân, trong đó chi phí điện, nước bị đội lên rất nhiều.
Theo các doanh nghiệp, điện, nước là chi phí cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng phải chi trả. Vì vậy, chỉ mong các cấp có thẩm quyền nên giảm các chi phí trên cho các doanh nghiệp. Mức giảm có thể từ 20%-30%, trong thời gian 3-6 tháng, nhằm hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn do Covid-19.
Bà Phan Lê Diễm Trang, phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, cho biết: Khi thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải cho công nhân, lao động cùng ăn, ở một chỗ và phải ý thức rất cao.
Việc cung cấp thức ăn ngày 3 bữa cũng không phải đơn giản khiến chi phí phát sinh, đồng thời phải thường xuyên tổ chức xét nghiệm Covid cho công nhân theo định kỳ hàng tuần, đây là một trong những gánh nặng của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, tỉnh Bình Dương xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường, tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân, lao động trong thời gian này.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương - cho rằng, tỉnh rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Trước tình hình khó khăn chung, Bình Dương mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để Bình Dương sớm trở lại trạng thái bình thường mới sau ngày 31/8.
Đồng thời tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương có giải pháp xử lý khi xảy ra tình huống có F0 tại doanh nghiệp để vừa khoanh vùng dập dịch, vừa duy trì sản xuất, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ông Lợi yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan, nghiên cứu phương án để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm".
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" hiện nay đang chịu "cú đấm bồi" từ dịch bệnh.
Theo ông Thịnh, trong lúc này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước về chính sách thuế, phí, lãi suất bên cạnh giảm giá điện, nước, xăng dầu trong phạm vi có thể. Điều này rất quan trọng để giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng sức "chiến đấu" trong bối cảnh chồng chất khó khăn.
Dù chỉ giảm giá vài chục phần trăm mỗi chi phí đầu vào cố định, cũng là giúp sức cho doanh nghiệp rất nhiều. Theo TS Thịnh, ông đã nhiều lần đề xuất giảm giá điện nhiều hơn nữa, mở rộng tới nhiều đối tượng hơn nữa. Song, dường như động thái từ phía nhà nước chưa đủ mạnh mẽ, ngoài đợt hỗ trợ giảm giá điện hồi năm ngoái.