Hoạt động hiệu quả của hệ thống thư viện làng quê – tủ sách dòng họ ở các vùng ngoại thành Hà Nội đã góp phần tạo nên những điểm sáng về lan toả văn hoá đọc nói riêng, thay đổi và phát triển văn hoá làng quê nói chung. Đặc biệt là việc giúp nhiều thế hệ xây dựng nên nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tuy nhiên, vì hoạt động tự phát và hạt nhân đa phần là những người nông dân nên để hệ thống thư viện làng quê – tủ sách dòng họ không ngừng hoàn thiện, phát triển... cần phải có sự hỗ trợ của Thư viện Hà Nội – đơn vị đầu ngành của thư viện thành phố Hà Nội.
Sự phối hợp này sẽ tạo ra những tiền đề mang tính bền vững để hoàn thành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Hà – Giám đốc Thư viện Hà Nội về vấn đề này.
Với tư cách là Giám đốc Thư viện Hà Nội, ông nhìn nhận như thế nào về sự ra đời và hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện làng quê, tủ sách dòng họ ở Hà Nội?
- Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, hệ thống thư viện tư nhân đã phát triển không ngừng, trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập trong nhân dân.
Thúc đẩy nhanh quá trình đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, cũng như hỗ trợ cho hệ thống thư viện công cộng đang gặp phải một số khó khăn. Thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ vốn dĩ nằm ngay trong các địa bàn, khu dân cư có ưu điểm gần người dân, dễ tiếp cận, người dân sẽ thuận lợi trong việc di chuyển cũng như lựa chọn tài liệu.
Theo ông, hệ thống thư viện làng quê và tủ sách dòng họ đã đóng vai trò như thế nào trong việc lan toả, thúc đẩy phong trào văn hoá đọc nói riêng và văn hoá nói chung của Hà Nội?
- Mô hình thư viện tư nhân – tủ sách dòng họ phục vụ cộng đồng ngày càng phát triển, không chỉ đơn thuần phục vụ sách báo, mà một số thư viện trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, hình thành lối sống lành mạnh, biết vận dụng những kiến thức từ sách vào học tập cũng như trong cuộc sống.
Mô hình thư viện tư nhân góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và thúc đẩy thói quen đọc sách ở mỗi cá nhân, phát triển văn hóa đọc nâng cao dân trí cho người dân.
Hệ thống thư viện tư nhân – tủ sách dòng họ với hạt nhân là những người nông dân, hưu trí, người yêu sách báo và mang tấm lòng hảo tâm sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển văn hóa đọc thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đây cũng là một nội dung trong Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
Theo ông, những khó khăn mà hệ thống thư viện làng quê- tủ sách dòng họ đang vướng mắc là gì và cần có những giải pháp nào để khắc phục nhằm hoạt động hiệu quả hơn?
- Trên thực tế hiện nay, đa số các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đều đang phục vụ tại không gian của gia đình hoặc nhà thờ họ với diện tích chật hẹp.
Kinh phí để hoạt động hoàn toàn do chủ nhân sáng lập ra thư viện tự chủ hoặc từ sự quyên góp từ các cá nhân, bạn bè hay từ một số cơ quan tổ chức, chủ yếu là do mối quan hệ của từng người. Do đó, nguồn tài liệu sách, báo không được bổ sung thường xuyên dẫn đến nguồn lực thông tin nghèo nàn, lạc hậu… Đây là những nguyên nhân chính khiến các thư viện tư nhân chưa tạo được sức hấp dẫn với người dân.
Nguồn nhân lực của thư viện chủ yếu là người sáng lập ra thư viện hoặc con, cháu trong nhà đảm nhiệm và không có chuyên môn về thư viện. Nhiều thư viện khi chuyển giao lại cho con cháu tiếp quản, người được tiếp quản còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc ngoài xã hội nên chưa duy trì đều đặn các hoạt động thư viện.
Thư viện Hà Nội với tư cách là đơn vị đầu ngành thư viện của TP. Hà Nội đã và sẽ có những phương cách nào trong việc giúp hệ thống thư viện làng quê - tủ sách dòng họ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động?
- Quốc hội đã ban hành Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cùng với đó Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã góp phần tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển các hoạt động trong hệ thống thư viện tư nhân.
Tăng cường phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ vốn tài liệu với các thư viện tư nhân, nhằm nâng cao chất lượng, số lượng tài liệu bằng các hình thức như luân chuyển, tài trợ… vốn tài liệu.
Chỉ đạo các thư viện quận, huyện, thị xã, các thư viện, tủ sách cơ sở tích cực phối hợp với các thư viện tư nhân trên địa bàn nhằm phục vụ người dân hiệu quả nhất.
Thường xuyên hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho người phụ trách thư viện tư nhân về việc xử lý, tổ chức và bảo quản tài liệu, công tác phục vụ bạn đọc…
Với các giải pháp đồng bộ và giải pháp cụ thể đối với thực tế từng địa phương, chúng tôi rất mong muốn, hệ thống thư viện tư nhân và tủ sách dòng họ sẽ không ngừng hoàn thiện và hoạt động ngày càng hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu một số giải pháp để giúp cho nhiều địa phương có thêm được những hạt nhân là những người người yêu mến sách báo, muốn phụng sự cộng đồng và xây dựng văn hoá quê hương trên nền tảng tri thức để cùng tham gia vào việc gầy dựng các thư viện tư nhân.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.