Nông dân lan tỏa văn hóa đọc: Thư viện Dương Liễu - Gieo yêu thương trên từng cuốn sách (bài 2)

Hà Tùng Long - Gia Khiêm Thứ năm, ngày 05/08/2021 15:31 PM (GMT+7)
Thư viện Dương Liễu 8 năm qua là điểm hẹn tri thức - văn hóa của nhiều thế hệ trẻ nhỏ. Nơi đây không chỉ thắp sáng tri thức, chắp cánh ước mơ mà còn hướng các độc giả nhí đến việc thắp tình yêu thương thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng.
Bình luận 0

Thư viện làng thành điểm hẹn văn hoá

Những ngày này, thư viện sách Dương Liễu, ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội tạm thời đóng cửa do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cũng từng đó thời gian, anh Phùng Bá Hưng - Quản lý thư viện lại nhớ tiếng cười đùa vui vẻ của những đứa trẻ làng quê lui tới đây đọc và mượn sách.

Đợt dịch này, các quản trị cùng tình nguyện viên thư viện thường xuyên tổ chức những buổi livestream trên mạng xã hội để những người yêu sách, đam mê đọc sách được theo dõi về những quyển sách hay.

Thư viện sách đặc biệt của trẻ em làng quê Hà Nội: Nơi phát triển văn hoá đọc và lan toả tri thức (bài 2) - Ảnh 1.

Thư viện Dương Liễu là điểm đến của rất đông các trẻ nhỏ. Ảnh chụp trước ngày 27/4. Ảnh: TVCC

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Hưng cho biết, thư viện Dương Liễu được thành lập đến nay gần 8 năm. Đây là thư viện tư nhân, hoạt động vì cộng đồng phi lợi nhuận, hoàn toàn miễn phí và có giấy phép hoạt động đầu tiên tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. 

Bản thân Phùng Bá Hưng là một cử nhân Báo chí của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nên rất yêu sách báo. Những ngày đặt chân lên trung tâm thành phố học tập, Hưng thấu hiểu hơn những thiệt thòi mà trẻ con vùng quê phải chịu. Hưng nhận ra rằng, việc lập nên một thư viện nho nhỏ cho trẻ con trong làng có địa điểm vui chơi, không chỉ giúp các em có thêm sân chơi lành mạnh mà còn giúp các em mở rộng kiến thức, thắp sáng ước mơ khi làm bạn với sách. 

Năm 2013, Phùng Bá Hưng đã chính thức thành lập Thư viện Dương Liễu ngay trên mảnh đất quê hương. Những ngày đầu, trẻ con lẫn người lớn trong xóm rất hào hứng. Nhiều bạn nhỏ, sau những giờ học bài căng thẳng ở lớp đã tìm đến thư viện để giải trí với những cuốn truyện tranh đầy thú vị mà gia đình không có tiền mua. Các bậc phụ huynh thấy con biết làm bạn với sách, biết cách nâng đỡ nhau trong học tập và tiến bộ lên mỗi ngày thì rất ủng hộ.

Bản thân Phùng Bá Hưng nhận thấy hiệu quả từ hoạt động của thư viện được tăng lên rõ rệt liền kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay để bổ sung thêm nguồn sách. Ngoài ra, thư viện cũng mở cửa tự do, không giới hạn mọi người đến từ đâu, thậm chí có bạn nhỏ ở xa cũng đến đây mượn sách cũng được tạo điều kiện, miễn sao tuân thủ thời gian trả sách theo quy định.

Thư viện sách đặc biệt của trẻ em làng quê Hà Nội: Nơi phát triển văn hoá đọc và lan toả tri thức (bài 2) - Ảnh 2.

Nhiều trẻ nhỏ say mê tới đây đọc sách. Ảnh: TVCC

"Hiện nay, trong khi văn hóa đọc sách đang đi xuống bởi thông tin mạng, sách điện tử cùng nhiều lựa chọn khác để giải trí... thì những thư viện như thư viện Dương Liễu có vai trò quan trọng trong việc kích thích tình yêu sách và văn hóa đọc của các bạn trẻ. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ gọn, lại lập ngay tại địa phương nên mọi người, các em học sinh, các bé được tạo điều kiện tối đa để đến gần nhất với sách.

Ban đầu, thư viện lập ra với mục đích để trẻ nhỏ trong khu xóm có địa điểm đến đọc sách, đọc truyện. Sau đó, nhận thấy hiệu quả từ thư viện được tăng lên, bắt đầu tổ chức sự kiện cho thiếu nhi không chỉ về văn hóa đọc mà thêm các cuộc thi đọc sách, làm đồ truyền thống…", anh Hưng chia sẻ.

Theo Phùng Bá Hưng, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, có ngày thư viện đón tiếp cả trăm lượt trẻ nhỏ và người lớn đến đây đọc và mượn sách. Dịch bệnh bùng phát thì thư viện chỉ cho mượn sách mang về. Nhiều bố mẹ và các con thậm chí xem thư viện như là một điểm hẹn quen thuộc cuối tuần. Vì lẽ đó, nhiều người rất mong mỏi dịch sớm được kiểm soát để được trở lại với "điểm hẹn văn hóa" thú vị này.

Không chỉ thắp lửa tri thức mà còn thắp sáng tình yêu thương

Phùng Bá Hưng chia sẻ: "Thư viện hoạt động theo phương châm "Trẻ em có thể tạo ra điều kỳ diệu khi chúng đọc sách" - câu nói ấy cũng là kim chỉ nam để chúng tôi hoạt động hiệu quả suốt gần 8 năm qua. Tính đến nay, thư viện Dương Liễu có khoảng hơn 7.000 đầu sách; hơn 2.600 độc giả; 9.000 lượt mượn/1 năm; gần 100 sự kiện được tổ chức từ năm 2013 đến nay.

Hiện có 7 thành viên trong Ban quản trị và 63 tình nguyện viên đang hoạt động. Trong số thành viên thư viện, người con làng Dương Liễu chiếm tới 90%. Ngoài ra, còn người ở nơi khác có tình yêu với sách biết thư viện nên đã đến đây xin làm tình nguyện viên".

Năm nào thư viện cũng tổ chức rất nhiều hoạt động hay, bổ ích và đầy ý nghĩa như cuộc thi cờ vua cho các em nhỏ, tổ chức gói bánh chưng ngày tết tặng các cụ già, tặng bánh trung thu cho những hoàn cảnh khó khăn. Dự án Thư viện lưu động... Ngoài ra Thư viện còn kết hợp với các tổ chức khác để có dịp giao lưu, học hỏi Tiếng Anh với người nước ngoài...

Thư viện sách đặc biệt của trẻ em làng quê Hà Nội: Nơi phát triển văn hoá đọc và lan toả tri thức (bài 2) - Ảnh 3.

Anh Phùng Bá Hưng (Quản lý thư viện Dương Liễu) trong buổi gặp mặt Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam năm 2018 tại Thư viện Quốc Gia. Ảnh: NVCC

"Mỗi một năm tiền tổ chức sự kiện cho các em khoảng 25-30 triệu đồng. Để có nguồn kinh phí tổ chức, dịp cuối năm chúng tôi lấy những tấm ảnh đẹp chụp trong xã in lịch bán gây quỹ. Những dịp đặc biệt mọi người kêu gọi ủng hộ.

Chúng tôi nhận nhận ra thư viện không chỉ là nơi phát triển văn hóa đọc mà còn là nơi chứa đựng nét tinh thần, văn hóa của cả khu vực dân cư như thế. Có thể thấy rõ trong vài năm trở lại đây số lượng phụ huynh bắt đầu đưa con đến thư viện ngày càng nhiều. Phụ huynh quan tâm đến đọc sách cho con rất nhiều", anh Hưng chia sẻ.

Thư viện Dương Liễu không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ. Anh Hưng nhớ, dịp cuối năm các bạn nhỏ đã tổ chức làm bánh chưng để biếu quà Tết những người già neo đơn trong xã. Nhận được quà từ các em nhỏ, các cụ đều rất phấn khởi, hạnh phúc.

Thư viện sách đặc biệt của trẻ em làng quê Hà Nội: Nơi phát triển văn hoá đọc và lan toả tri thức (bài 2) - Ảnh 4.

Không những vậy, thư viện còn là sân chơi cho các em thoả sức khám phá, tìm hiểu kiến thức. Ảnh: TVCC

Chàng quản lý thư viện rất tâm đắc câu danh ngôn của Cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama từng nói: "Vào khoảnh khắc chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn".

Qua đây, anh Hưng nhắn nhủ: "Văn hóa đọc tại Việt Nam không ai phủ nhận nét văn hóa này không được coi trọng. Tuy nhiên, không phải ở đâu mọi người cũng nhìn nhận đó là một thứ mà mình cần phải trau dồi thói quen, kỹ năng từ bé. Trẻ con sẽ tạo ra điều kỳ diệu khi chúng đọc sách. Thói quen đọc sách cho trẻ là điều cực kỳ quan trọng. Ngôn ngữ, tư duy, phẩm chất nội tâm của mỗi người đều là những thứ rất quan trọng, một phần lớn được tìm thấy qua đọc sách".

Nơi kết nối những tâm hồn đồng điệu, lấp đầy những khoảng trống

Chị Lê Thị Hòa, một phụ huynh có con đến Thư viện Dương Liễu đọc sách nhận xét: "Thư viện ra đời đã đáp ứng được mong muốn của nhiều bậc phụ huynh như chúng tôi về một không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho các con. Các con được giải trí, được đọc sách, tránh xa được những trò game vô bổ không lành mạnh. Dịp dịch bệnh này các con ở nhà nhiều mong muốn hết dịch bệnh để được lui tới đây đọc sách, học hỏi những điều tốt đẹp".

Gắn bó với thư viện Dương Liễu đến nay được 1,5 năm, Nguyễn Khắc Vinh (hiện đang là một lập trình viên) đã có không ít kỷ niệm tại đây. Vinh cho biết, muốn tham gia làm việc tại thư viện cũng đơn giản vì muốn tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng, và quan trọng đây là đóng góp ngay cho địa phương nơi anh sinh ra và lớn lên.

"Tôi muốn góp sức cùng mọi người để xây dựng một trung tâm chia sẻ, giao lưu văn hóa tới cộng đồng. Từ khi vào thư viện, điều mình ấn tượng nhất đó là buổi tối các em nhỏ rủ nhau đến thư viện đọc truyện, đọc sách, tinh thần ham đọc của trẻ em nơi đây khiến mình rất bất ngờ, có những bạn rất nhỏ nhưng đọc tới hàng trăm quyển sách, truyện.

Hồi mình còn bé có mơ cũng không nghĩ địa phương sẽ có một thư viện để mọi người có thể học hỏi, trao đổi kiến thức như bây giờ. Chính điều này khiến mình muốn gắn bó và đóng góp để phát triển thư viện hơn", Vinh chia sẻ.

Thư viện sách đặc biệt của trẻ em làng quê Hà Nội: Nơi phát triển văn hoá đọc và lan toả tri thức (bài 2) - Ảnh 6.

Nhiều trẻ thích thú đến thư viện chơi cờ trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ảnh: TVCC

Thư viện sách đặc biệt của trẻ em làng quê Hà Nội: Nơi phát triển văn hoá đọc và lan toả tri thức (bài 2) - Ảnh 8.

Trẻ nhỏ được các tình nguyện viên nhiệt tình chỉ dạy thời điểm trước ngày 27/4. Ảnh: TVCC

Theo Vinh, dịch bệnh Covid-19 khiến thư viện phải đóng cửa quả thật rất buồn. Anh nhớ hình ảnh các em nhỏ đến thư viện đọc sách, vui chơi, cả những hình ảnh bố mẹ dắt con nhỏ đến và đọc cho con nghe.

"Mình cũng rất nhớ những bạn bè tại thư viện, các dự án sắp tới của thư viện vì dịch mà bị ảnh hưởng. Điều mong muốn nhất bây giờ của mình cũng giống như bất kì ai trên thế giới là hy vọng có thể sớm chấm dứt đại dịch này. Để cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường và quan trọng nhất là thư viện được mở cửa trở lại để mọi người có thể học hỏi nhiều hơn", Vinh mong muốn.


Có 2 năm gắn bó với thư viện, Nguyễn Thị Phương Thảo đã có rất nhiều kỷ niệm. Thảo biết đến thư viện từ khi còn là học sinh cấp 2 đến bây giờ cô đã lên đại học.

"Điều khiến mình quyết định điền vào đơn đăng ký tình nguyện viên thời điểm đó là mình thấy ngưỡng mộ các anh chị đại học còn trẻ mà sao giỏi thế, ngưỡng mộ các hoạt động mà thư viện tổ chức, và với suy nghĩ của một cô học sinh cấp 3, mình cũng muốn tìm một môi trường nào đó có thể gắn bó và phát triển.

Ở thư viện Dương Liễu, điều khiến mình thích thú không chỉ là khối lượng sách khổng lồ lên đến vài nghìn đầu sách mà còn vì mình được gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, được trò chuyện với các bạn nhỏ, ngắm nghía hình ảnh khi các bạn ấy say mê đọc sách đến quên cả thời gian...", Thảo chia sẻ.

Thư viện sách đặc biệt của trẻ em làng quê Hà Nội: Nơi phát triển văn hoá đọc và lan toả tri thức (bài 2) - Ảnh 9.

Vinh thích thú và đam mê gắn bó với thư viện Dương Liễu đến nay được 1,5 năm. Ảnh: NVCC

Thảo cùng như toàn bộ các bạn tình nguyện viên ở thư viện vẫn luôn trăn trở làm sao để nơi đây có thể tiếp cận được nhiều đối tượng hơn đặc biệt là các bạn nhỏ, tạo cho mọi người nhận thức và hình thành thói quen về việc đọc sách, đó cũng chính là động lực để cô và mọi người tiếp tục cố gắng và gắn bó với nơi đây. 

"Dịch bệnh Covid-19 khiến mọi thứ đều bị ngưng trệ, thư viện cũng phải tạm thời đóng cửa, cũng chẳng biết đến bao giờ những khoảng trống trong căn phòng ấy được lấp đầy trở lại, mình nhớ tiếng đùa vui của các bạn nhỏ, hoặc có khi là sự im lặng khi các bạn ấy đang trốn vào góc riêng của mình và cắm cúi đọc sách... Tôi tin bất kì ai bây giờ trên trái đất này đều mong rằng dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm qua đi, mọi thứ hoạt động trở lại đúng theo quỹ đạo của nó", Thảo gửi gắm.

Sau hành trình 8 năm hình thành, phát triển, thư viện Dương Liễu đã là điểm đến thân quen không chỉ đối với người dân nơi đây mà còn của nhiều trẻ nhỏ ở các xã lân cận. Thư viện được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen đã có thành tích trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2014 – 2019.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội tặng Giấy khen đạt Danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước huyện Hoài Đức năm 2017 và Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2019.

UBND xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức tặng Giấy khen đã có nhiều đóng góp vào các hoạt động Vì cộng đồng của xã Dương Liễu năm 2019.

Ngày 23/3/2021, bà Vũ Dương Thuý Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cũng đã về thăm, tặng quà. Đoàn làm việc đánh giá Thư viện Dương Liễu là một trong số những Thư viện tư nhân điểm sáng toàn quốc trong phong trào phát triển văn hoá đọc.

Bài cuối: Nông dân lan tỏa văn hóa đọc: Biến thư viện làng quê thành "hạt nhân" xây dựng nếp sống người Hà Nội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem