Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, TP Hà Nội đã và đang có những biện pháp hạn chế người dân ra ngoài nếu không thật sự cần thiết như yêu cầu cung cấp giấy đi đường.
Mới đây, chốt phòng chống dịch đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) phát hiện 3 đối tượng sử dụng giấy đi đường để qua chốt kiểm soát có biểu hiện nghi vấn.
Phát hiện dấu hiệu khả nghi, lực lượng chức năng đã đưa những người trên về Công an phường Hạ Đình để xác minh, làm rõ.
Quá trình làm việc, xác định danh tính của 3 nam thanh niên là Đoàn Văn Bình (34 tuổi, Nguyễn Văn Cừ, Long Biên), Trịnh Đình Long (28 tuổi, Nguyễn Chính, Hoàng Mai) và Đinh Hồng Tùng (28 tuổi, Linh Đàm, Hoàng Mai).
Tại cơ quan công an, cả 3 đối tượng khai nhận họ đã mua 9 giấy đi đường với giá 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ. Theo lời khai của các đối tượng, 9 giấy đi đường được mua ở 1 cửa hàng cầm đồ tại đường Láng (quận Đống Đa).
Trao đổi với Dân Việt về sự việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: "Hành vi của những đối tượng mua giấy đi đường nhằm đối Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc hạn chế ra đường là hành vi vi phạm pháp luật và có thể gây nên nhiều hệ lụy xấu đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19".
Theo luật sư, hành vi cấp, bán, sử dụng giấy đi đường giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là xử lý hình sự.
Hành vi này tùy theo thủ đoạn thực hiện hành vi mà có thể cấu thành một trong hai loại tội phạm hình sự là tội làm giả con dấu, tài liệu, sử dụng con dấu, tài liệu giả hoặc tội giả mạo trong công tác.
Cụ thể:
Trường hợp thứ nhất, tổ chức không có thật, tổ chức không có thẩm quyền cấp giấy đi đường, cá nhân không có thật hoặc không có thẩm quyền ký mà vẫn cấp giấy đi đường cho người khác sử dụng thì cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu; sử dụng con dấu, tài liệu giả mạo. Theo đó, người cấp, bán giấy đi đường bị xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu và người sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả cho mục đích trái pháp luật.
Trường hợp thứ hai, tổ chức có tư cách pháp nhân hợp pháp, có quyền được cấp giấy đi đường, cá nhân có thẩm quyền ký tuy nhiên lại cấp giấy đi đường không đúng đối tượng là cán bộ, nhân viên công ty thì cấu thành tội giả mạo trong công tác. Theo đó, người cấp, ký, bán giấy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác, người sử dụng giấy đi đường được cấp có thể phải chịu trách nhiệm liên đới, bị coi là đồng phạm trong tội này.
Theo luật sư, người sử dụng giấy đi đường giả mạo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 5, Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức thì:
"Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.".
Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, doanh nghiệp cấp giấy đi đường giả mạo là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Luật sư cũng cho biết người sử dụng giấy đi đường giả mạo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối với cả người ký, cấp giấy tờ giả mạo hay người sử dụng giấy đi đường giả mạo để trốn tránh việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì đều có thể bị xử lý hình sự về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tối đa có thể lên đến 07 năm tù giam hoặc tội giả mạo trong công tác quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt tối đa lên tới 20 năm tù.
Cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành điều ra, làm rõ, xử lý sẽ xem xét mức độ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tới xã hội mà có thể quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.