Có mặt tại bãi bồi xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN bắt gặp những người phụ nữ đang chuẩn bị dụng cụ để vào rừng sú vẹt "săn" con rạm đồng.
Clip vào rừng sú vẹt "săn" con rạm đồng ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Thực hiện: Vũ Thượng
Rạm đồng cùng loài với con cua đồng (sống nước ngọt), với lớp vỏ cứng, mình dẹt, dẹp hơn cua đồng, trong nắp chúng có nhiều gạch, thịt ngọt và béo. Về bề ngoài, rạm đồng trông gần giống con cua đồng nhưng lớn hơn, đôi càng và các chân to khỏe hơn.
Đặc biệt, mai của con rạm đồng khá cứng, có màu xanh xám giống như màu của đá, viền của mai không có gai như cua đồng. Đồng thời, phía dưới mai rạm đồng còn có nhiều gạch màu vàng hoặc vàng đậm.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, bà Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, xóm 4, xã Kim Đông) chia sẻ: " 1 tháng, chúng tôi đi "săn" con rạm đồng được 15-20 ngày, tùy vào từng thời điểm, con nước (thủy triều lên xuống). Để bắt con rạm đồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm từ dấu chân con rạm để lại trên mặt bùn, và chỉ dùng đôi bàn tay khéo léo luồn theo các hang, hốc để bắt con rạm đang ẩn nấp".
Cũng theo bà Hóa, không phải ai cũng bắt được con rạm đồng, bởi chúng sống sâu trong hang, dưới lớp bùn sâu 30-50 cm. Nghề "săn" rạm đồng cũng khổ cực như bao nghề khác. Bù lại sự vất vả đó là niềm vui, giá bán rạm đồng luôn ổn định, có thời điểm "cháy hàng" không đủ nhập cho thương lái.
Được biết, con rạm đồng đang được các thương lái ở xã Kim Đông, Kim Trung…(huyện Kim Sơn) thu mua với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày những người "thợ săn" thường vào rừng sú vẹt bắt con rạm đồng khoảng 5 tiếng, thu được được 4-5 kg rạm đồng, có người đút túi nửa triệu đồng.
Con rạm đồng cũng giống như các loài trong họ cua, rạm cũng có 2 càng lớn và 8 chân. Tuy nhiên, chân của con rạm dài hơn con cua đồng. Mỗi chân có 3 đốt, ở đốt chân cuối cùng của rạm thường dẹp khá ngắn và không có lông.
Phần bụng của rạm thường có màu trắng hoặc vàng và có bộ phận sinh sản thường được gọi là yếm. Đây là bộ phận dùng để phân biệt rạm cái và rạm đực. Những con rạm cái thường có yếm to, chiếm gần hết phần bụng. Còn rạm đực thì yếm khá nhỏ ở chính giữa bụng.
Khu vực sinh sống của rạm đồng là vùng nước lợ, gần các cửa sông, cửa lạch. Rạm thích ở đồng trũng, thường đào hang dọc theo các bờ ruộng. Hang rạm đồng đào không sâu bằng hang cua, chỉ vừa lút vài ba ngón tay, vào mùa mưa bão, nước tràn vào hang, rạm bị động bơi ra rất nhiều.
Bà Phạm Thị Hoa (42 tuổi, xóm 4, xã Kim Đông) cho biết: Rạm đồng sinh sản thường từ tháng 4-5 âm lịch (tháng 5-6 dương lịch) hằng năm. Con rạm sẽ di chuyển về phía các cửa sông nước lợ để kết đôi và sinh sản. Các con rạm non sẽ trú ẩn ở trong yếm của con cái cho đến khi chúng có thể bò ra ngoài. Khi rạm con to bằng đầu que diêm (rạm cốm) thì chúng sẽ di chuyển về các cánh đồng để sinh sống".
Thức ăn của rạm đồng là các loài động vật giáp xác như: Con ốc, cá nhỏ và thực vật phù du như tảo, rong rêu…Con rạm thường sử dụng hai càng để bắt và đưa thức ăn vào miệng.
Người dân nơi đây thường bắt rạm đồng về và chế biến thành nhiều món ngon như: Rạm đồng xào lá lốt, rạm đồng lăn bột chiên giòn, canh rạm đồng…Từ hương vị đó khiến nhiều người con sống xa quê luôn nhớ về món ăn này.