Video: Hóa kiếp đủ loại hàng trong sách đỏ
Chúng tôi nói về các chủ đề mà mấy chục bài báo nêu ra. Đặc biệt là việc PV dùng tài liệu điều tra của mình gửi lên cơ quan công an với mong muốn hỗ trợ phá án.
Vụ giải cứu 17 cá thể hổ trưởng thành ở huyện Yên Thành vừa qua, được ghi nhận là "chưa từng có trong lịch sử bảo tồn của Việt Nam". Chưa kể 4 chú tê tê, cùng 7 cá thể hổ nhỏ cũng được giải cứu tại gần như cùng địa bàn và cùng thời điểm...
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về mặt chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) ở nước ta hiện nay?
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Việt Nam ta tham gia Công ước Washington (CITES - Công ước Quốc tế về buôn bán các loài thực vật hoang dã nguy cấp) từ năm 1994. Hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định khá chi tiết về lĩnh vực này, như Luật Đa dạng sinh học (2008); Luật Bảo vệ môi trường (2005, 2014, 2020), Luật Lâm nghiệp (2017)…
Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn cũng đã được bổ sung, điều chỉnh kịp thời các hình phạt trong xử lý vi phạm liên quan trong lĩnh vực này.
Tôi cho rằng về mặt thái độ chính trị, chính sách của chúng ta hướng đến việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, hệ sinh thái phục vụ phát triển bền vững, cũng như thực hiện Công ước CITES được đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, Việt Nam được coi là một trong những thị trường tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD như ngà voi, sừng tê giác, mật gấu, cao hổ cốt… khá sôi động. Các sản phẩm đó được khai thác, săn bắt, nuôi nhốt trái phép trong nước hoặc nhập lậu từ Châu Phi, Đông Nam Á và một số quốc gia khác.
Nó ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và uy tín của chúng ta trên thế giới. Rõ ràng, về chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cơ bản được đánh giá là tiến bộ và phù hợp với luật pháp Quốc tế, nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập.
Vậy chúng ta cần tiếp tục hành động như thế nào?
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Một trong những phương châm quản lý xã hội: hãy coi sống theo pháp luật là cái tối thiểu, còn chuẩn mực đạo đức mới là mục đích tối cao. Nói vắn tắt thì: pháp luật là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức mới là pháp luật tối cao.
Cũng như công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta phải nhận thức, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra : "Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi".
Để từ đó có những giải pháp trước mắt cũng như chủ trương, chính sách lâu dài phù hợp, bao gồm tuyên truyền, giáo dục, giám sát, kiểm tra, ứng dụng KH&CN, nêu gương tốt, xử lý vi phạm nghiêm minh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là khâu truyền thông là rất cần thiết. Như việc mà các nhà báo đang làm trong phóng sự điều tra gần đây là rất đáng hoan nghênh.
Những nội dung mà các kênh truyền thông của nhà nước, các phương tiện truyền thông tích cực khác là cần chuyển đến công chúng các thông tin về pháp luật, các hành vi được khuyến khích, hành vi bị nghiêm cấm và hình phạt; khơi dậy tình yêu thiên nhiên; chỉ ra những tác hại mà hành vi hủy hoại môi trường cũng như xâm hại ĐVHD có thể mang đến cho con người, như: dịch bệnh đối với con người và động vật; làm mất cảnh quan thiên nhiên, sâu hại tàn phá mùa màng…
Thậm chí đưa những hình ảnh tố cáo các hành vi dã man đối với ĐVHD; hành vi tiêu thụ ĐVHD như một cách thể hiện đẳng cấp; tâm lý ích kỷ muốn dùng những thứ mà thiên hạ không có của thế hệ "trưởng giả"…
Người dân không khó khăn để nhận ra rằng, người tử tế sẽ không bao giờ hành động như vậy, một khi họ có được đồng tiền thông qua lao động chân chính.
Có thể nói, những ngày cả nước đang phải gồng mình chống đại dịch COVID 19 hiện nay là cơ hội vàng cho hoạt động truyền thông theo hướng này.
Một nguyên tắc rất quan trọng trong quản lý xã hội là kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Bỏ qua hoặc xem nhẹ các khâu này thì coi như không còn là quản lý nữa. Công tác này phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức nói chung và lực lượng chuyên trách nói riêng.
Phải nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học, nói "Không" với hành vi săn bắt, sử dụng ĐVHD trở thành một đặc điểm mới của văn hóa Việt Nam.
Điều này càng cấp thiết khi đất nước ta đang hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tiêu chí xác định một quốc gia phát triển không chỉ là thu nhập và còn nhiều tiêu chí khác, trong đó có tiêu chí về xã hội, môi trường, văn hóa.
Tôi thấy rằng, dịch COVID-19 đang và sẽ khiến mọi người thấm thía hơn, sự cân bằng đa dạng sinh học bị phá hủy đang làm phát sinh các loài có hại tạo mầm mống để sinh ra các bệnh, dịch và những tổn thất không thể nào đo đếm được.
Thế giới sinh vật xuất hiện hàng trăm triệu năm luôn có sự tiến hóa, cân bằng tự nhiên. Khi con người phá hủy cái cân bằng ấy sẽ tạo ra những hệ lụy hiện tại và nguy cơ tiềm ẩn. Những hành vi của người đương thời có thể đem lại những hậu quả tai hại cho thế hệ mai sau - điều mà không ai muốn.
Ông từng nói điều mà nhiều người tâm đắc: chúng ta nên đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thay thế hữu ích, công hiệu hơn, để thay thế cho các thành phần bao đời nay người ta có thói quen vẫn lấy từ ĐVHD?
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Tôi xin nêu một ví dụ về văn hóa sống hài hòa của người Nhật.
Chúng ta vẫn khuyến khích sử dụng các bài thuốc gia truyền, thuốc đông y, các phương pháp chữa bệnh truyền thống. Không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể xóa bỏ nhận thức về công hiệu như "thần dược" của những bài thuốc gia truyền, trong đó có nói đến các sản phẩm từ ĐVHD. Các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc là nơi tồn tại tập quán này từ xa xưa.
Tuy nhiên, ví dụ như Nhật Bản, người ta đã sản xuất những chất thay thế tương đương với sản phẩm từ ĐVHD. Tuy không còn các thành phần từ ĐVHD nhưng các loại thuốc, thực phẩm chức năng đó vẫn được người "có thói quen" dùng ĐVHD kia… tin dùng!
Như một loại thuốc trợ tim, trước đây người Nhật sử dụng nhiều thứ chiết xuất từ ĐVHD, gần đây họ sử dụng các thứ khác không phải ĐVHD mà công dụng vẫn tốt và được nhiều người tin dùng.
Tôi có thời gian dài làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản nên tôi biết đây là một quá trình thay đổi rất khó khăn. Từ trách nhiệm, thái độ ứng xử quốc gia đối với Công ước Washington (CITES) đến ý thức của người dân tạo nên một sức ép lên Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách buộc họ phải thay đổi.
Và cuối cùng, các nghiên cứu khoa học và công nghệ đã giúp giải bài toán khó ấy một cách thành công.
Rất cần khuyến khích, nhân rộng những hoạt động hữu ích mà nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp gần đang thực hiện như phát triển các loài dược liệu, loài cây thuốc như đông trùng hạ thảo, sâm Ngọc Linh, các loài quý hiếm khác. Đây là hướng đi đúng, phù hợp chủ trương bảo vệ môi trường, phát triển đất nước bền vững, hài hòa.
Trân trọng cảm ơn ông!