Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn 1,5 năm qua đã khiến thị trường căn hộ nghỉ dưỡng lâm vào tình cảnh bết bát chưa từng xảy ra. Sau một thời gian dài gồng lỗ, chờ đợi nhiều nhà đầu tư không thể chờ đợi thêm đã phải bán tháo bất động sản nhưng đến bán đi cũng là một câu chuyện không hề dễ dàng.
Chị Hoàng Thu Hoà, khách hàng mua dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh chia sẻ, gia đình chị làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Tổng thu nhập từ công việc của hai vợ chồng cũng vào khoảng 40 triệu/tháng. Cách đây 4 năm, nhận thấy căn hộ nghỉ dưỡng được cam kết trả lãi cao hơn 10% mỗi năm và cũng vừa tiện để gia đình có thể đến ở khi du lịch tại Quảng Ninh, chị bàn với chồng với tiền tích cóp thể mua được một căn hộ nghỉ dưỡng tại Hạ Long.
Thời điểm đó, căn hộ chị mua là 60m2 với giá 1,6 tỷ với thêm chi phí sửa sang nội thất cũng vào gần 2 tỷ. Theo hợp đồng, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 11%, cùng với việc căn hộ luôn được lấp đầy, mỗi tháng gia đình chị cũng thu về hơn 30 triệu đồng.
Tới giữa năm 2019, khi du lịch tại Vũng Tàu cũng một số người bạn và nhận thấy căn hộ nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng. Chị cùng chồng bàn vay thêm ngân hàng cộng với số tiền tích cóp mua 2 căn hộ nghỉ dưỡng ở khu trung tâm du lịch ven biển Vũng Tàu có view nhìn ra biển, đạt chuẩn 5 sao với giá 2,2 tỷ đồng một căn. Tính nhanh, mỗi tháng gia đình chị thu từ 2 căn hộ này cũng vào 30 - 50 triệu/tháng, vào mùa du lịch, tiền thu về có khả năng tăng gấp đôi.
Để có tiền đầu tư, vợ chồng chị quyết định chơi lớn thế chấp căn hộ đang ở để vay ngân hàng 3 tỷ đồng và mỗi tháng trả cả gốc lẫn lãi 24 triệu đồng. Mọi chuyện tưởng chừng xuôn xẻ thì đến đầu năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, chủ đầu tư tại Hạ Long trì hoãn việc trả lãi suất, thậm chí giảm lãi suất. Căn hộ của chị cũng đóng băng tại Hạ Long. Còn hai căn hộ nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu, chưa kịp kinh doanh được 5 tháng cũng buộc phải đóng cửa bởi dịch bệnh và giãn cách kéo dài.
"Lúc này là tiền của gia đình chôn hết vào tài sản chết bởi căn hộ nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu đã nhận rồi nhưng cả năm không thể kinh doanh, trong khi đó tiền lãi từ khoản vay ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả. Đến giờ chấp nhận bán giá thấp để lo xoay xở cũng không phải dễ vì chẳng có ai mua. Lãi suất ngân hàng 10%/năm với số nợ và lãi phải trả hàng tháng khiến vợ chồng tôi luôn căng thẳng, công việc bị ảnh hưởng, tìm cách xoay xở nào cũng không có", chị Hòa chia sẻ.
Còn anh Trần Tuấn Khải (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mấy tháng nay liên tục đăng bán căn hộ nghỉ dưỡng ở Nha Trang trên các trang mua bán và mạng xã hội. Theo nhà đầu tư này, anh có tổng cộng 3 căn hộ nghỉ dưỡng ở Cát Bà (Hải Phòng), Đà Nẵng và Nha Trang. Tình hình dịch bệnh kéo dài, anh buộc phải bán bớt một căn hộ nghỉ dưỡng để chuyển hướng đầu tư mới, bởi lợi nhuận không đạt được như mong muốn, dịch bệnh kéo dài, không biết bao giờ kết thúc. Hiện tại, a Khải chỉ mong có thể thu lại đúng tiền gốc mua là 2,3 tỷ trước đó nhưng có vẻ cũng rất khó khăn.
Anh Khải chia sẻ: "Ngày chưa có dịch, doanh thu mỗi tháng cũng đạt 30 - 40 triệu đồng/năm, vào mùa hè nghỉ dưỡng còn tăng cao hơn. Nhưng giờ căn hộ nghỉ dưỡng cũng bão hoà, rút về đầu tư đất nền hay chung cư còn thấy ổn định hơn vì dù sao đây cũng là những sản phẩm có tính an toàn cao hơn. Minh chứng là dù trong dịch bệnh, giao dịch mua bán những sản phẩm này vẫn có. Lãi ít hay nhiều trong bối cảnh hiện nay đều tốt hơn so với việc chôn vốn tại chỗ".
Ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu cho hay, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều chủ đầu tư căn hộ nghỉ dưỡng phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp khiến nguồn cung mới khan hiếm.
Dự kiến, trong những tháng cuối năm, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, nguồn cung và sức cầu của sản phẩm này khó có thể hồi phục và khó có sự đột biến về giá. Bên cạnh đó, tình trạng nhà đầu tư chuyển nhượng để cắt lỗ căn hộ nghỉ dưỡng đang ngày càng lan rộng và sẽ còn kéo dài.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho hay, biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Minh chứng rõ, nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa là rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở các giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.
Theo bà Trang: "Hiện nay, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất với số ca nhiễm tăng nhanh và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Do đó mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngõ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt. Kéo theo đó, thị trường khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng cũng sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục của ngành du lịch".
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng nhận định: "Trong năm 2021 khó mong đợi sự khôi phục của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là với các sản phẩm nghỉ dưỡng mới vì việc sửa Luật Đất đai 2013 bị chậm lại tới năm 2023, cùng với việc đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nên khách nước ngoài chưa thể tới Việt Nam".