Những ngày qua, mạng xã hội bức xúc trước hành vi lợi dụng nhiều xe cấp cứu, xe tải chở quan tài đến hỏa táng ở Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, một nhóm người móc nối hoạt động để trục lợi.
Cụ thể, theo đại diện Công an Q.Bình Tân (TP.HCM), băng nhóm "cò" này thường xuyên chen lấn, cự cãi; sang nhượng quan tài đi hỏa táng ở Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa. Đến nay, công an đã tạm giữ 8 đối tượng và đưa về trụ sở làm rõ.
Bước đầu, nhóm này thừa nhận có hành vi chen lấn, cãi cọ khi xếp tài, nhằm móc nối hoạt động để trục lợi từ 1 - 1,5 triệu đồng.
"Hình thức hoạt động của nhóm này cũng tương tự như "cò" hoạt động ở bệnh viện. Hiện chúng tôi đang tạm giữ nhóm này để tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch", lãnh đạo Công an Q.Bình Tân, cho biết.
Theo ghi nhận của Dân Việt, trong sáng nay (14/8), đoạn đường trước Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa đã hết cảnh chèo kéo, chen lấn.
Hai đầu đường, lực lượng chức năng đã rào chắn, ngăn người dân, phương tiện (trừ xe cứu thương và xe tang) di chuyển vào khu vực này.
Một cán bộ chốt trạm cho hay, chỉ có phương tiện đưa người chết đi hỏa táng, nhân viên trung tâm hỏa táng mới được di chuyển vào khu vực này; đồng thời, các biển cấm quay phim, chụp ảnh… cũng được dựng lên tại đây.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh, nếu có hành vi của nhóm "cò" nơi hỏa táng Bình Hưng Hòa mỗi ngày kiếm tiền trên nỗi đau của thân nhân người chết với mức giá mỗi quan tài từ 1,5-2 triệu đồng như báo chí đưa tin thì hành vi này của nhóm "cò" rất nhẫn tâm và sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Về hình thức xử phạt, theo luật sư Lê Bá Thường, trước tiên, hành vi của những người làm "cò" dịch vụ hỏa táng sẽ bị xử phạt hành chính về việc vi phạm không thực hiện quyết định giãn cách xã hội đang áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người nơi công cộng nên sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm c, khoản 3 Điều 12 NĐ 117/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, nếu lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội thì hành vi trục lợi thu tiền của thân nhân người chết trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể được xem xét là tình tiết tăng nặng tội danh trách nhiệm hình sự (Điểm l Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015).
Do đó, hành vi làm cò hỏa táng trong lúc dịch bệnh người dân phải giãn cách xã hội phải bị nghiêm trị thích đáng, nếu chỉ xử lý hành chính về vi phạm trong phòng chống dịch thôi e rằng chưa đủ sức răn đe.
"Nếu nhóm "cò" dùng thủ đoạn chen lấn sắp hàng các xe, gây rối trật tự, hung hãn chen ngang, dành tài để trục lợi bất chính trong hoàn cảnh dịch bệnh và nếu họ đe dọa thân nhân của người chết (với tâm lý lo lắng sợ tập trung đông người nơi hỏa táng dễ bị lây lan dịch bệnh và mong muốn được sớm đưa quan tài vào hỏa táng phải đưa tiền) thì nhóm "cò" có thể bị xem xét xử lý hành vi vi phạm theo Bộ Luật hình sự vì chiếm đoạt tiền của thân nhân người chết", luật sư Thường nói rõ.
Cụ thể, nếu nhóm "cò" dùng thủ đoạn như trên để lấy tiền thì có thể bị xem xét dấu hiệu phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Trong trường hợp này, hành vi của nhóm "cò" dịch vụ nơi hỏa táng thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người thân của người chết có cảm giác lo sợ vì có thể phải để quan tài xếp hàng rất lâu mới được hỏa táng nếu không đưa tiền cho chúng.
Đồng thời, hành vi phạm tội này được thực hiện mang tính côn đồ, công khai với người bị hại, thể hiện ý thức coi thường pháp luật, kỷ cương xã hội qua hành động họ ngang nhiên giành tài và công khai nhận tiền của thân nhân người chết.
"Nếu nhóm "cò" bị kết tội cưỡng đoạt tài sản trong hoàn cảnh dịch bệnh thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (khoản 3 Điều 170 BLHS 2015)", luật sư Lê Bá Thường nói.