"Trong những ngày tham gia tình nguyện đưa bệnh nhân F0 đi cấp cứu bằng taxi, chúng tôi đã cùng nhau thay phiên vác bình oxy, băng qua những con hẻm ngoằn ngoèo, heo hút trên địa bàn quận 4 để tìm cách di chuyển bệnh nhân một cách nhanh nhất", Lê Tấn Sang (sinh viên Y đa khoa năm 3 của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) - đội trưởng đội taxi chở F0 tại (quận 4, TP.HCM) chia sẻ cùng Dân Việt, sáng 14/8.
Ra quân hôm 28/7, ban đầu, "biệt đội" F0 tại quận 4 có 4 người gồm một tài xế, một điều dưỡng của Bệnh viện Mắt, hai sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong đó có Sang.
Đến ngày 5/8, bên trường bổ sung thêm 10 người nữa. Ngày 11/8, đặc phái viên (phụ trách taxi chuyển bệnh) của Sở Y tế TP.HCM - TS.BS Võ Hoàng Nhân đã cắt cử cho địa bàn quận 4 thêm hai xe taxi (hãng Mai Linh) và thêm 3 sinh viên từ các trường y khoa tại TP.HCM. Như vậy, tổng cộng có 17 thành viên quen cũng có, không quen cũng có, cùng một nhiệt huyết, cùng một mục tiêu nhanh nhất cứu được bệnh nhân F0 qua cơn nguy kịch.
Đang trò chuyên, chuông điện thoại của Sang reo lên: "A lô, đội taxi cấp cứu tại nhà đây ạ. Địa chỉ ở đâu anh? Bệnh nhân hiện tình trạng như thế nào ạ? Dạ! Anh đọc địa chỉ, em tới liền". Vừa dứt điện thoại, Sang ra hiệu cho đồng đội: "93 Tôn Thất Thuyết, phụ nữ mang thai có con nhỏ".
Tức tốc, cả nhóm nhanh chóng trang bị đồ bảo hộ cấp độ 4, bình oxy và các thiết bị y tế cần thiết rồi lập tức lên xe di chuyển ngay tới nhà của bệnh nhân F0.
Sau nhiều cuộc điện thoại xác nhận, Sang cũng tìm được nhà của sản phụ bị dương tính. Ngoài sản phụ, còn có một bé trai 2 tuổi đang nằm trên giường. Hỏi thăm, mẹ của bé cho hay bé có hiện tượng sốt, ho. Ngay lập tức, Sang cùng Minh đã test nhanh cho bé và có kết quả dương tính. Vì bé trai này mắc bệnh viêm phổi trước đó nên đội đã quyết định đưa cả hai mẹ con bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.
"May quá, bệnh nhân không chuyển biến nặng", tài xế thở phào nhẹ nhõm nói.
Trên chiếc taxi chở bệnh nhân F0, ngoài Sang và tài xế Nguyễn Văn Mỹ, chúng tôi còn gặp nữ sinh viên Nguyễn Ngọc Minh (sinh viên năm 3 tại Khoa Phục hồi chức năng, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch).
Sau khi chuyển một ca bệnh đi cấp cứu, tranh thủ chưa có cuộc gọi, cả đội cùng ăn trưa. Trò chuyện với phóng viên, Sang nói: "Minh là người kề vai sát cánh với tôi từ đầu. Tuy là nữ, nhưng Minh như một "chiến binh" thực sự, cũng vác bình oxy, khiêng bệnh nhân từ trên lầu cao xuống. Có lúc tôi nghĩ nếu không có Minh, chắc mình không làm được gì quá…".
Sang và Minh gặp nhau trong một dịp đi lấy mẫu cộng đồng tại quận 10. Hợp từ suy nghĩ, hợp về cách làm việc, cả hai đã mến nhau và tạo thành một đôi "song kiếm hợp bích" trong đội vận chuyển bệnh nhân F0.
Kể về những công việc hàng ngày và những áp lực đã gặp, Sang chia sẻ: "Áp lực thì nhiều lắm vì nó gắn liền với một, có khi là nhiều sinh mệnh cùng một lúc. Sự quá tải của bệnh viện khiến tôi không thể phân luồng, không xác định được phải đưa đến bệnh viện nào để được hỗ trợ kịp thời nhất. Nỗi sợ lớn nhất đó là khi đưa bệnh nhân đến, bệnh viên báo đã hết oxy để thở, chẳng khác gì mình đang hại bệnh nhân".
Địa bàn quận 4 có rất nhiều nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ, chật hẹp, việc di chuyển rất hạn chế. "Cứ nghĩ đến một bình oxy là một mạng người đang cần được giúp đỡ, lúc đó mọi mệt mỏi trong tôi tan biến", Sang bộc bạch.
Nhớ lại những ngày đầu vận chuyển bệnh nhân, Minh tâm sự: "Không thể tưởng tượng được có ngày tụi em gặp bệnh nhân ở nhà cao tầng mà cầu thang hình xoắn. Bệnh nhân thì thể trọng khá lớn, cồng kềnh. Tụi em phải rất vất vả mới chuyển được bệnh nhân xuống. Thậm chí, phải dùng chăn túm cả 2 đầu để cùng nhau bế bệnh nhân nhích xuống từng bậc thang".
Biệt đội taxi cấp cứu F0 được phân bổ ở nhiều quận, huyện khác nhau. Trong đó, địa bàn quận 4 được đánh giá là nơi phức tạp nhất vì tải lượng bệnh nhiễm Covid-19 rất nhiều. Do đó, đội của Sang luôn phải hoạt động hết công suất để kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Có nhiều ngày, bệnh nhân không được bệnh viện tiếp nhận do tình trạng quá tải, Sang cùng đội vẫn cố gắng chạy, tìm đủ mọi cách để liên hệ với tổng đài của Sở Y tế TP.HCM nhờ giúp đỡ. Trong trường hợp khẩn, như bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở đột ngột, đội buộc phải đưa đến bệnh viện gần nhất.
TS. BS Võ Hoàng Nhân cho biết mô hình taxi chở bệnh nhân F0 sau nhiều ngày hoạt động đã mang lại hiệu quả khá tốt. Đó là một đội hình gần dân nhất.
"Có đến 65 chiếc taxi được hoạt động ở giai đoạn 1, hướng đến 200 chiếc taxi từ đây cho đến cuối tháng 8 hoạt động 24/24h tại các quận, huyện ở TP.HCM", BS Nhân nói.
(Còn nữa)