"Chuyến bay đầu tiên của Turkish Airlines, kín người, đã khởi hành sáng nay, trong đó có rất nhiều gia đình mà chúng tôi gặp trong sảnh sân bay, như một cặp vợ chồng với cậu con trai 2 tuổi rưỡi.
Người đàn ông nói : "Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này. Nó đã kéo dài 20 năm mà tình hình vẫn như vậy. Tôi không còn chịu được những bạo lực mà chúng tôi phải hứng lấy". Người vợ đứng cạnh, mắt đỏ ngầu, kể cho chúng tôi là cô đã đau lòng chia tay người thân để ra nước ngoài vào sáng nay.
Hành khách ra đi với những chiếc va li lớn nhỏ. Không khí rất nặng nề. Một người phụ nữ khóc nức nở vì phải ngừng nói chuyện điện thoại để lên máy bay. Tất cả những phụ nữ nhân viên ở sân bay khóc cầu xin chúng tôi giúp họ rời khỏi đất nước. Một trong số họ nói : "Quân Taliban sẽ giết chúng tôi".
Một thanh niên có visa đi Anh cho biết : "Tôi cảm thấy đau lòng khi ra đi vì hàng nghìn người không có cơ hội này". Ngoài ra, còn có một quân nhân Afghanistan mà chúng tôi gặp ở bãi đậu xe sân bay Kabul, nói tiếng Pháp rất tốt, từng là học viên trường quân sự Saint-Cyr. Anh đi tiễn một người bạn may mắn được rời đất nước. Giọng đầy xúc động, anh nói : "Tôi xấu hổ khi mặc bộ quân phục này. Quân đội đã không biết bảo vệ đất nước chúng tôi".
Phóng viên RFI Sonia Ghezali tường trình từ sân bay Kabul như vậy đã cho thấy một thực cảnh ở Kabul, Jalalabad thất thủ, khủng hoảng thế nào.
Trước đó, truyền thông và các nguồn tin cho biết Taliban kiểm soát tất cả các cửa khẩu biên giới ở Afghanistan. Các chiến binh sau đó nói họ đang đàm phán với chính phủ về khả năng tiến vào Kabul một cách hòa bình và chính phủ Afghanistan sẽ chịu trách nhiệm về an ninh của Kabul cho đến khi kết thúc quá trình chuyển đổi.
Tướng Bismillah Khan Mohammadi cho biết quân đội Afghanistan đã cam kết giữ an toàn cho Kabul và bảo vệ thành phố. Đồng thời, có thông tin cho rằng cảnh sát Kabul đã từ chối thực hiện nhiệm vụ.
Kênh truyền hình Tolo News đưa tin Ashraf Ghani đồng ý rời ghế Tổng thống, rời khỏi Afghanistan. Taliban ra lệnh cho lực lượng của họ tiến vào Kabul, phong trào cho biết trong một tuyên bố. Theo Taliban, điều này được thực hiện để ngăn chặn cướp bóc và bạo lực ở các khu vực mà cảnh sát và lực lượng an ninh đã rời đi.
Afghanistan sẽ đi về đâu?
Tướng David Petraeus, cựu Giám đốc CIA và cựu chỉ huy lực lượng quân quốc tế ở Afghanistan từng nhận định, sau khi quân Mỹ rút đi ở Afghanistan có thể bắt đầu một cuộc chiến đẫm máu, Mỹ có thể ngăn chặn được viễn cảnh như vậy nếu quyết định để lại một đội quân ở nước này,
"Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta có thể thấy một cuộc nội chiến đẫm máu và tàn bạo như cuộc chiến xảy ra vào những năm 1990 khi Taliban giành chiến thắng. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có thể thấy thành trì al-Qaeda trở lại, mặc dù tôi không nghĩ nó có thể đe dọa Tổ quốc tôi và châu Âu trong tương lai gần... Nhưng sẽ dễ dàng hơn cho al-Qaeda nếu Taliban nắm quyền kiểm soát", ông Petraeus nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Times của Anh.
Ông nhận xét rằng làm như vậy là Mỹ đang từ bỏ những giá trị mà nước này đã đấu tranh để bảo vệ.
Phần còn lại của thế giới sẽ thấy rằng chúng tôi không ủng hộ dân chủ và các giá trị mà chúng tôi đang thúc đẩy trên toàn thế giới - đó là nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ, quyền được giáo dục, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí - tất cả những điều này, tất nhiên, còn lâu mới là hoàn hảo ở Afghanistan, nhưng sẽ tốt hơn nhiều so với việc Taliban khôi phục chế độ Hồi giáo thời trung cổ", ông Petraeus bày tỏ.
Ông nói thêm, nếu Taliban giành được ưu thế ở Afghanistan, thì "hàng triệu người tị nạn" sẽ hướng đến Pakistan và các quốc gia khác. Ngoài ra, các quyền tự do của người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ, sẽ bị suy giảm.
Nếu chúng tôi thể hiện quyết tâm và ý chí ở lại, chúng tôi sẽ có tư thế mạnh hơn nhiều trong các cuộc đàm phán với Taliban. Nhưng nếu chúng tôi nói với kẻ thù rằng chúng tôi sẽ ra đi, thì cớ gì mà họ lại phải từ bỏ điều gì đó cơ chứ?. Tôi có phần khó hiểu, tại sao chúng tôi không nghĩ đến phương án để lại 3,5 nghìn quân để ngăn Taliban áp đặt trở lại chế độ Hồi giáo thần quyền cực đoan bảo thủ, vốn không đáp ứng lợi ích của bất kỳ ai", ông nói thêm.
Với sự trợ giúp của một lực lượng như vậy Mỹ có thể đã ngăn chặn được nội chiến (ở Afghanistan), còn trong tình huống này, "cuộc chiến sẽ tiếp tục và sẽ càng trở nên tồi tệ hơn", vị tướng lưu ý.
Chiến tranh tại Afghanistan khởi phát sau khi Mỹ và các đồng minh đã hạ bệ thành công Taliban từ vị trí nắm quyền lực để không cho al Qaeda có cơ sở hoạt động an toàn ở Afghanistan. Cuộc chiến chủ yếu bao gồm quá trình nổi dậy của Taliban chống lại Lực lượng vũ trang Afghanistan và các đồng minh, phần lớn binh lính và nhân viên ISAF / RS là người Mỹ. Cuộc chiến được Mỹ đặt tên mã là Chiến tranh Tự do Bền vững (2001-14) và Chiến dịch Tự do Sentinel (2015- đến nay).
Theo dự án Chi phí chiến tranh tại Đại học Brown, tính đến tháng 4 năm 2021, cuộc chiến này đã giết chết 171.000 đến 174.000 người ở Afghanistan; 47.245 thường dân Afghanistan, 66.000 đến 69.000 quân đội và cảnh sát Afghanistan và ít nhất 51.000 chiến binh đối lập. Tuy nhiên, số người chết có thể cao hơn do "bệnh tật, mất khả năng tiếp cận thực phẩm, nước, cơ sở hạ tầng và / hoặc các hậu quả gián tiếp khác của chiến tranh". Theo LHQ, kể từ Cuộc xâm lược năm 2001, hơn 5,7 hàng triệu người tị nạn cũ đã trở lại Afghanistan, tuy nhiên, tính đến năm 2021, 2,6 triệu người Afghanistan vẫn tị nạn hoặc đã chạy trốn, chủ yếu ở Pakistan và Iran, và 4 triệu người Afghanistan khác vẫn là những người di cư trong nước. Kể từ năm 2001, Afghanistan đã có những cải thiện về y tế, giáo dục và quyền của phụ nữ.