Dân Việt

Lợi dụng biến thể Delta, doanh nghiệp "thổi giá" cước vận tải biển, chuỗi cung ứng "mong manh" đứt gãy? (Bài 2)

Thế Anh 18/08/2021 07:00 GMT+7
Với biến thể Delta phức tạp, nhiều hãng tàu tăng giá vô tội vạ ngoài lý do dịch Covid-19 khiến hoạt động khai thác cảng biển bị tắc nghẽn, tốc độ quay vòng của phương tiện và container bị chậm tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu và đẩy chuỗi cung ứng vào tình thế mong manh, dễ đứt gãy.

Hàng hoá thông qua cảng biển tăng cao

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019 tới nay, thế giới đã ghi nhận tất cả 11 biến thể của virus SARS-CoV-2. Trong số này, có 4 biến thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm "đáng lo ngại cấp độ toàn cầu" gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta.

Song biến chủng Delta, đang nguy hiểm nhất và đang là chủng lây nhiễm chủ đạo trên thế giới, nhằm đối phó và hạn chế biến chủng Delta lây lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: "Đã đến lúc chúng ta cần phải xác định chung sống an toàn với đại dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả", và thực hành tốt thông điệp 5K chính là "Lá chắn thép" để bảo vệ chúng ta trước đại dịch Covid-19".

Ngăn chặn "thổi giá" cước vận tải biển ứng phó với biến chủng Delta  - Ảnh 1.

Hàng hoá thông qua Cảng Cát Lái tăng cao. Ảnh: SGP

Việc xuất hiện biến chủng Delta đã gây ra nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, cung ứng chuỗi hàng hoá phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, cẩn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, hạn chế những lây lan của biến chủng Delta trong đội ngũ lái, nhân viên lái tàu, các nhân viên đang làm việc các cảng biển.

Đây cũng là một áp lực rất lớn đề nặng lên các doanh nghiệp vận tải biển và nhân viên bốc xếp hàng hoá, phục vụ vận chuyển hàng hoá tại các cảng biển, bởi dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển đang là lựa chọn tối ưu vì đường bộ, đường hàng không đang bị kiểm soát chặt do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Công ty CP Quốc tế DHD (đơn vị vận chuyển hàng hoá bằng đường biển) cho biết: "Vận tải đường biển có thể chấp nhận vận chuyển hầu hết các loại hàng hóa. Đây được xem là một trong những ưu điểm nổi trội nhất của vận tải đường biển so với các phương tiện vận tải khác. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng hoá thông qua các Cảng biển càng tăng cao".

So với các phương thức vận tải thông khác thì vận tải đường biển được xem là một trong những phương thức vận tải kinh tế nhất và đã được rất nhiều các công ty, đơn vị lựa chọn, bởi giá cước vận tải biển rẻ hơn nhiều so với hàng không và đường bộ.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua giá cước vận tải biển tăng cao đang gây ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Doanh nghiệp Việt đang loay hoay tìm đường xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh cước vận tải container tăng phi mã và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá cước vận tải biển tăng

Một số doanh nghiệp cho biết, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, giá vận tải container đi Mỹ tăng cao theo từng tuần. Chi phí vận chuyển của một container 40 feet đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD. Trong khi trước đó khoảng 2 tháng, giá cước chỉ ở mức 8.000 USD/container.

Đối với container lạnh, nếu tháng 4/2021 chỉ khoảng 7.500 USD thì tuần đầu tháng 7/2021, cước vận tải đã tăng gần gấp đôi, lên 13.000 - 14.000 USD/container.

Theo đại diện Công ty CP NatyFood Việt Nam, so với thời điểm tháng 4/2021, cước của một container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng lên 5.000 - 6.000 USD, đạt mức 15.000 USD/container 40 feet.

Ông Phạm Quốc Long (Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải) cho hay, việc hãng tàu tăng giá vô tội vạ ngoài lý do dịch Covid-19 khiến hoạt động khai thác cảng biển bị tắc nghẽn, tốc độ quay vòng của phương tiện và container bị chậm, hãng vận tải phải điều chỉnh giá để bù đắp chi phí thì nguyên nhân sâu xa còn do sự hạn chế số lượng hãng vận tải và sự liên minh, liên kết giữa các hãng tàu ngày càng mạnh mẽ.

Ngăn chặn "thổi giá" cước vận tải biển ứng phó với biến chủng Delta  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt lo ngại cước vận tải biển tăng cao. Ảnh: DHD

Thực tế hiện nay, Nghị định 146/2016 quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển mới chỉ yêu cầu hãng tàu đăng ký, niêm yết giá trong trường hợp điều chỉnh giá vận chuyển, phụ thu ngoài giá mà không yêu cầu các hãng vận tải phải đăng ký khung giá cụ thể. Mức tăng, giảm hoàn toàn do các hãng tàu quyết định.

Duy định đăng ký hiện nay cũng không có giá trị nhiều đối với công tác quản lý. Hơn nữa, hình thức xử lý đối với hãng tàu nước ngoài niêm yết giá muộn hoặc chậm cũng chỉ là xử phạt hành chính với mức phạt rất thấp, không đáng kể so với mỗi lần tăng giá, phụ thu của hãng tàu.

Giải pháp tối ưu để doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng giá cước tốt hiện nay là chúng ta cần có những hiệp hội ngành hàng đủ mạnh để thương thảo với các hãng tàu, đưa ra một mức giá hợp lý cho chủ hàng trong nước.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, với 90% hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận giá cao nếu không muốn hàng hóa ách tắc. Do Việt Nam chưa có doanh nghiệp logistics quốc tế vươn tới châu Âu, châu Mỹ nên 80 - 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang thực hiện theo tập quán mua CIF, bán FOB (những điều kiện giao hàng phổ biến - PV), quyền thuê tàu và chi trả giá cước vận tải thuộc về đối tác nước ngoài nên việc chủ hàng Việt Nam can thiệp vào chuỗi vận tải quốc tế là rất khó.

Cần minh bạch không để đại lý "thổi" giá cước

Về giá cước vận tải biển, Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: "Hiện nay, cần phải minh bạch giá cước bằng sàn giao dịch, tránh hiện tượng hội sở (công ty mẹ) hãng tàu nước ngoài công bố giá cước 5.000 USD nhưng đại lý tại Việt Nam "thổi" giá lên 7.000 USD".

Tiếp đến là minh bạch về chất lượng dịch vụ. Cục Hàng hải Việt Nam tham mưu các cấp có thẩm quyền tìm hiểu thông lệ quốc tế để xây dựng quy định phù hợp, yêu cầu hãng tàu khi đến hoạt động tại cảng biển Việt Nam phải đăng ký và đảm bảo sự ổn định về số tuyến, số chuyến, số phương tiện, khung thời gian hoạt động, số chỗ trống cấp cho chủ hàng…

Về giải pháp ngắn hạn, Cục sẽ cùng các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan làm việc với các hiệp hội, đại diện các doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ và các hãng tàu đề nghị ổn định giá vận chuyển để có thể lâu dài khai thác thị trường tiềm năng tại Việt Nam; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá của hãng vận tải nước ngoài theo quy định hiện hành.

Ngăn chặn "thổi giá" cước vận tải biển ứng phó với biến chủng Delta  - Ảnh 3.

Cảng Cát Lái đang bị ùn ứ hàng hoá. Ảnh: N.Bình

Cũng theo Cục Hàng hải, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là biến chủng Delta lây lan nhanh, khiến cho giá cước vận tải biển tăng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước và các Cảng biển phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, Bộ GTVT đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ chuyển đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, Bộ GTVT đồng thuận với kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc giao đầu mối các Bộ ngành, địa phương, rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp, ... tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) giờ đã được tính toán các biện pháp quản lý để đi lại thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch".

Trước đó, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) mong muốn Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tự chủ trong việc phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, ngành vận tải muốn hoạt động, thì lái xe phải có xét nghiệm âm tính của Bộ Y tế.

"Thế nhưng, trên thực tế, các địa điểm xét nghiệm hiện nay đang quá tải, không đảm bảo giãn các, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Như vậy, quy định này chỉ khiến dịch bệnh càng thêm phức tạp, thay vì chống dịch Covid-19", ông Minh bày tỏ.

Ông Minh kiến nghị Bộ Y tế bán các test xét nghiệm cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự chủ xét nghiệm cho người lao động. Bản thân các doanh nghiệp rất lo cho người lao động, nên Chính phủ, Bộ Y tế bán cho doanh nghiệp các bộ xét nghiệm để họ tự kiểm tra sức khỏe của người lao động, nếu làm sai, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu trách nhiệm và bị truy tố.