Chiều 17/8, tiếp tục phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán ngân sách hằng năm của các bộ, cơ quan Trung ương sẽ bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế, thay vào đó, dự toán chi quản lý hành chính sẽ được xây dựng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao.
Phải xóa bỏ cơ chế đặc thù tài chính, thu nhập đặc thù.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý, từ 1/7/2022 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.
"Thời gian còn lại không nhiều, đề nghị Chính phủ bảo đảm các phương án triển khai; đồng thời khi xây dựng chế độ tiền lương mới cần có phương án bảo đảm nguyên tắc tiền lương theo đúng tinh thần Nghị quyết 27", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, từ 1/7/2022 thực hiện cải cách tiền lương thì phải xóa bỏ cơ chế đặc thù tài chính, thu nhập đặc thù.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dứt khoát phải cải cách tiền lương từ 1/7/2022, không thể chậm được vì lương là một nội dung để kích thích kinh tế, đầu tư.
"Có thể dịch bệnh ảnh hưởng tới nguồn, nhưng quyết tâm vẫn làm được, vì vẫn còn nguồn dư cho cải cách tiền lương", ông Huệ nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết kế hoạch tài chính và vay trả nợ 5 năm (2021-2025), Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để tăng lương hưu, lương cơ sở từ 1/7/2022.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, nghị quyết của Trung ương đã khẳng định khi thực hiện cải cách tiền lương thì tất cả các cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ, không thể có công chức loại 1, loại 2, loại 3 nữa.
"Các địa phương lúc nào cũng khẳng định là có đủ nguồn cho cải cách tiền lương nhưng nếu sau này không đảm bảo được thì ai là người chịu trách nhiệm. Lúc nào Bộ Tài chính cũng kêu không có nguồn cải cách tiền lương nhưng vẫn duyệt cho chi từ nguồn cải cách tiền lương", ông Vương Đình Huệ nói.
Nhiều tỉnh, thành xin dùng nguồn cải cách tiền lương chi chống dịch
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các địa phương hiện còn 252.000 tỷ đồng còn dư cho tăng lương. "Nguồn để dành cải cách tiền lương từ tháng 7/2022 đã sẵn sàng", ông Phớc khẳng định.
Theo ông Hồ Đức Phớc, vừa qua, có 7 tỉnh, thành đề xuất dùng nguồn tiền này để chống dịch Covid -19, nhưng Bộ Tài chính đã trả lời không đồng ý.
"Chúng tôi yêu cầu các địa phương thực hiện giải pháp khác như cắt giảm nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết kiêm chi thường xuyên… để lấy nguồn chi chống dịch", ông Phớc thông tin.
Liên quan đến nội dung này, bà Mai Thị Thu Vân - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, hiện có 10 tỉnh có kiến nghị sử dụng tiền còn dư sau khi đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương để chống dịch Covid-19. "Nếu được UBTVQH cho phép thì Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo để cho phép sử dụng, chỉ chuyên về chống dịch Covid-19, không làm nhiệm vụ khác", bà Mai Thị Thu Vân nêu quan điểm.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và thống nhất cần sớm ban hành để áp dụng khi xây dựng dự toán. Tuy nhiên còn có nội dung cần làm rõ nên UBTVQH chỉ thông qua nguyên tắc, định hướng chung, giao các uỷ ban, bộ rà soát thống nhất, hoàn chỉnh nghị quyết gửi xin ý kiến UBTVQH ban hành.
UBTVQH cũng yêu cầu rà soát, thể hiện trên tinh thần đảm bảo nguồn lực cải cách tiền lương từ 1/7/2022 đúng theo nghị quyết của Quốc hội. Lưu ý định mức phân bổ cho y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở...