Dân Việt

Bị 'chê' giảm lãi suất cho có, NHNN sẽ công khai kết quả giảm lãi suất từng ngân hàng trong tháng

H.Anh 18/08/2021 16:01 GMT+7
Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc giảm lãi suất tại nhiều nhà băng "làm cho có, chưa thực chất", Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng định kỳ hàng tháng.

Ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp vẫn "chê" ít

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn (1,5-2,0%/năm), đồng thời có các biện pháp chỉ đạo, điều hành, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Trong tháng 7, 16 tổ chức tín dụng đã họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Cụ thể, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đã thông báo cắt giảm 0,5-1% lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay hiện hữu của các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, giáo dục, lưu trú & dịch vụ ăn uống.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tư nhân như ACB, MBB, VIB, VPB cũng cam kết cắt giảm lãi suất cho vay từ 0,8-2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị đại dịch.

Ngân hàng ưu ái, doanh nghiệp “chê” ít: Công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng hàng tháng - Ảnh 1.

Các ngân hàng tiếp tục bổ sung các gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. (Ảnh: CTG)

Mới nhất, trong ngày hôm qua (17/8) một số ngân hàng tiếp tục tung ra thị trường các gói vay ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng.

Đại diện VietinBank cho biết, bên cạnh các chính sách miễn giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150 nghìn tỷ đồng.

Tại BIDV, từ 17/8 đến hết 31/12/2021, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tổng ngân sách hỗ trợ lên đến 1.000 tỷ đồng.

TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đánh giá cao việc các tổ chức tín dụng giảm lãi suất để tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp.

Theo tính toán của ông Lực, con số mà ngân hàng đồng hành, giảm lãi suất cho vay hiện hữu, khoản vay mới, giảm các loại phí đến cuối năm có thể lên tới 65.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp trong thời gian qua việc giảm lãi suất tại nhiều nhà băng "chưa thực chất, giảm cho có". Thậm chí, mới đây một doanh nghiệp nuôi trồng chế biến thủy hải sản vừa thẳng thắn từ chối nhận giảm lãi suất từ một ngân hàng vì lý do số lãi vay mà doanh nghiệp được giảm không đáng bao nhiêu.

"Trong lúc khó khăn, thấy chủ trương của ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi đã đề nghị ngân hàng hạ lãi vay. Ngân hàng có thiện chí nhưng mức giảm lãi vay rất ít, chỉ 0,1 - 0,2%/năm - mức lãi giảm này không có ý nghĩa gì so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nên chúng tôi không nhận", đại diện doanh nghiệp cho hay.

Ngân hàng ưu ái, doanh nghiệp “chê” ít: Công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng hàng tháng - Ảnh 3.

Mức giảm lãi vay của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của doanh nghiệp. (Ảnh: BID)

Sẽ công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng mỗi tháng

Từ thực tế nêu trên, NHNN vừa ban hành Công văn số 5901/NHNN-TD về thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ngân hàng nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, vào cuộc cùng với hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương để chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn thông qua giải pháp hỗ trợ hữu hiệu, thiết thực như giảm lãi suất, phí... theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng ưu ái, doanh nghiệp “chê” ít: Công khai kết quả giảm lãi suất của từng ngân hàng hàng tháng - Ảnh 4.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả. (Ảnh: SBV)

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Công văn 248/NHNN-PLVN ngày 16/7/2021 để giữ uy tín của mỗi ngân hàng cũng như toàn ngành nói chung trước người dân, doanh nghiệp và xã hội.

"Việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể. Đồng thời, chủ động truyền thông trên các báo chí về các chính sách của mình, thông tin cho khách hàng cụ thể về chính sách giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hàng tháng; đồng thời sẽ tăng cường giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.