Vi phạm về phát ngôn trong vụ Con Cưng
Bắt đầu từ cuối tháng 5/2018, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) phản ánh sản phẩm bộ thun bé gái dài tay tại một cửa hàng Con Cưng có dấu hiệu cắt tem nhãn hàng hóa và thay thế bằng tem nhãn của Con Cưng.
Sau đó gần 2 tháng, tới giữa tháng 7, Chi cục QLTT TP. HCM mới phối hợp cùng Cục QLTT kiểm tra hàng hóa tại 3 cửa hàng Con Cưng ở TP HCM. Tại cuộc kiểm tra, ông Trần Hùng, khi đó Phó Cục trưởng Cục QLTT đã lưu ý các cán bộ QLTT một số nghi vấn về tem nhãn, xuất xứ…
Sau đó, trong báo cáo nhanh về kết quả kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng tại TP HCM, Chi cục QLTT TP HCM cho biết cơ quan này đã thu giữ hơn 5.000 sản phẩm của Con Cưng vì "có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ với giá trị gần 500 triệu đồng".
Diễn biến vụ việc được đẩy lên "đỉnh điểm" khi tại cuộc họp báo thông tin kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018 ở Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, thông tin đơn vị này đang triển khai kiểm tra trên toàn hệ thống của chuỗi siêu thị Con Cưng.
Bước đầu, ghi nhận chuỗi siêu thị này có 7 dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, sau đó, phía Con Cưng đã gửi "tâm thư" đến Bộ Công Thương thừa nhận những sai sót chỉ về mặt hành chính và mong sớm công bố kết luận.
Đáng chú ý, kết luận kiểm tra về chấp hành pháp luật sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Con Cưng được Bộ Công Thương công bố sau đó lại cho thấy công ty này chỉ mắc lỗi trong khuyến mãi, thương mại điện tử...
Tháng 10/2018, Bộ Công Thương thông báo kết quả rà soát, kiểm tra, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty CP Con Cưng của Cục QLTT và đánh giá hoạt động của đoàn kiểm tra thành lập theo Quyết định số 2611/QĐ-BCT.
Kết quả kiểm tra chỉ rõ trong quá trình thực hiện các hoạt động kiểm tra, các công chức lãnh đạo Cục QLTT là ông Nguyễn Trọng Tín, ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn.
Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Tín đã có những phát ngôn chưa chính xác về sai phạm của Công ty CP Con Cưng tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả.
Còn ông Trần Hùng đã cung cấp những thông tin liên quan tới vụ việc trong quá trình kiểm tra tại doanh nghiệp không đúng thẩm quyền.
Từ đi thăm thành kiểm tra doanh nghiệp tại Bắc Ninh
Ngày 6/3/2020, Đoàn Công tác 416 do ông Trần Hùng (Tổ trưởng Tổ Công tác 304 của Tổng Cục QLTT) làm Trưởng đoàn và các bên phối hợp tiến hành kiểm tra làm việc ở Công ty TNHH sản xuất thương mại thiết bị Quốc Bảo (Bắc Ninh) sản xuất khẩu trang y tế.
Mục đích ban đầu là đi thị sát, tìm hiểu và thăm quan doanh nghiệp, nhưng sau đó biến thành cuộc kiểm tra doanh nghiệp không theo kế hoạch. Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Công thương, một số thành phần tham gia đoàn còn không phải là thành viên tổ 304.
Qua thanh tra xác minh, Tổng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương khẳng định, ông Trần Hùng có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền "điều động, phân công, thay thế thành viên tổ 304 tham gia Đoàn" quy định tại khoản 2 Quyết định số 416/QĐ-TCQLTT.
Theo đó, quá trình thực thi hoạt động công vụ của Đoàn 416, có các phóng viên tác nghiệp ghi âm, ghi hình, mà không có sự đồng ý của người có thẩm quyền.
Ngoài ra, Đoàn Kiểm tra 416 cũng có dấu hiệu trực tiếp thực hiện việc thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin nhưng không có Quyết định giao nhiệm vụ thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin của người có thẩm quyền, không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 416.
Vướng vòng lao lý vì sách giả
Ngày 17/8 vừa qua, ông Hùng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết, việc ông Hùng bị bắt liên quan vụ án Nguyễn Duy Hải bị khởi tố về tội Môi giới hối lộ, theo điều 365. Các quyết định tố tụng đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.
Ông Hùng, Hải bị khởi tố với cáo buộc liên quan vụ sản xuất 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên, sai phạm cụ thể chưa được công bố.
Trước đó, vào sáng 18/6, vụ án được phát hiện khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đột kích Công ty In, văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Phú Hưng Phát tại Hà Nội. 19 xưởng in, gia công và 15 kho hàng, 3 dây chuyền máy in offset 4 màu... phục vụ sản xuất sách giả bị phát hiện.
Qua kiểm tra, C03 đã phát hiện và tạm giữ hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả, hơn 1,5 triệu tem giả của nhiều nhà xuất bản..., cùng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp.
Hiện tổng cộng 12 người đã bị khởi tố, trong đó có ba cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội là ông Lê Việt Phương (Đội trưởng Quản lý thị trường số 14, cựu đội phó Đội số 17), Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (cùng là nguyên kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. 7 người khác bị khởi tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.