Trong thời đại 4.0, việc áp dụng công nghệ vào các cuộc thi đấu thể thao là cần thiết để tạo nên sự chính xác ở mức cao nhất. Bóng đá cũng không phải ngoại lệ và cụ thể hơn, công nghệ VAR đã trở nên phổ biến khi đồng hành với nhiều giải bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia cũng như câu lạc bộ.
Khái niệm VAR hiện đã trở nên quen thuộc nhưng trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ VAR được vận hành như thế nào. Ngoài ra, hầu hết các cầu thủ Việt Nam chưa được trải nghiệm VAR trong các trận đấu chính thức khi V.League chưa có điều kiện áp dụng công nghệ này nên không có gì bất ngờ khi khẳng định VAR là "cũ người, mới ta" với bóng đá Việt Nam.
Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, VAR sẽ được sử dụng trong các trận đấu. ĐT Việt Nam có mặt ở vòng đấu này và VAR sẽ hỗ trợ đắc lực để giải quyết các tình huống nhạy cảm.
Nhân dịp này, Dân Việt giới thiệu cùng bạn đọc quá trình áp dụng VAR tại sân vận động Mỹ Đình, việc vận hành VAR tại các trận đấu bóng đá nói chung diễn ra như thế nào. Ngoài ra, những vấn đề như bóng đá Việt Nam vì sao chưa có trọng tài VAR, cầu thủ Việt Nam đánh giá thế nào về sự cần thiết của VAR và bao giờ VAR được áp dụng rộng rãi tại các trận đấu đỉnh cao tại Việt Nam cũng sẽ được Dân Việt phân tích, làm rõ qua 5 bài viết để phục vụ nhu cầu của bạn đọc.
Trong lịch sử World Cup, pha ghi bàn có tên gọi "Bàn tay của Chúa" do huyền thoại Diego Maradona thực hiện ở trận tứ kết Mexico 1986 giữa Argentina và Anh đến giờ vẫn tạo ra sự tranh cãi không có hồi kết. Người yêu mến Maradona khẳng định, đó là khoảnh khắc thể hiện sự ranh mãnh của "Cậu vé vàng". Những ai hâm mộ ĐT Anh tất nhiên coi đó là sự bất công dành cho Tam Sư. Nói tóm lại, bàn thắng không hợp lệ nhưng lại được trọng tài chính Ali Bin Nasser công nhận ấy đã tạo ra cảm xúc trái chiều cho người chiến thắng và phe bại trận.
Nhưng đấy là thời điểm của 35 năm trước. Còn lúc này, sẽ chẳng thể có bàn thắng kiểu như vậy xuất hiện trong một trận đấu ở VCK World Cup. Đơn giản bởi VAR đã xuất hiện và trở thành "siêu trọng tài". VAR có thể tác động đáng kể đến cung bậc cảm xúc của các cầu thủ hoặc cổ động viên khi tạo ra những màn ăn mừng hụt, nhưng chắc chắn sẽ hạn chế tối đa sự buồn bã của các đội phải chấp nhận thua oan.
Nhắc thêm một chi tiết để thấy có VAR thì những nỗi đau và cả ấm ức sẽ không còn xuất hiện ở những trận đấu đỉnh cao: 34 năm sau khi bị Maradona dùng tay ghi bàn, thủ môn Peter Shilton kiên quyết không tha thứ cho đối thủ. Chỉ đến khi Maradona qua đời vào cuối năm 2020, Shilton mới khép lại câu chuyện này.
Ngoài "Bàn tay của Chúa", lịch sử World Cup cũng từng chứng kiến vô số những pha bóng gây tranh cãi, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của các đội bóng. Điển hình trong số đó là tình huống dùng tay hãm bóng của Thierry Henry trước khi kiến tạo cho William Gallas ghi bàn để loại CH Ireland tại vòng loại World Cup 2010.
Đến VCK World Cup 2010, trong trận đấu ở vòng 1/8, tiền vệ Frank Lampard của ĐT Anh đã có cú sút đưa bóng trúng xà ngang, sau đó đập đất rồi bật ra. Pha quay chậm cho thấy, bóng đã đi qua vạch vôi của khung thành do thủ môn Manuel Neuer trấn giữ, nhưng trọng tài chính lại không công nhận bàn thắng hợp lệ này. Vào thời điểm ấy, Anh chỉ đang bị dẫn 1-2 và bàn thắng bị mất oan ấy là một trong những nguyên nhân khiến họ thua chung cuộc 1-4 và bị loại.
Chỉ cần điểm sơ qua để thấy, khi không có VAR, ranh giới thắng - thua trở nên mong manh và phụ thuộc và quyết định cảm tính của trọng tài có độ vênh (hoặc nói thẳng ra là sai hoàn toàn) lớn đến thế nào. Chính vì vậy, VAR đã trở thành một phần tất yếu của bóng đá tại những giải đấu lớn.
Tại nhiều giải VĐQG trên thế giới hiện nay, việc VAR đồng hành với các trận đấu đã trở nên phổ biến. VAR có thể khiến không ít cầu thủ tẽn tò hoặc không dám ăn mừng quá mức khi chưa biết bàn thắng có hợp lệ hay không. VAR cũng không hoàn toàn bảo đảm sẽ triệt tiêu 100% sự tranh cãi bởi VAR chỉ là công cụ hỗ trợ, còn quyết định cuối cùng vẫn do con người, cụ thể là trọng tài chính đưa ra. Nhưng với VAR, sự công bằng và tính chính xác sẽ được duy trì ở mức cao nhất có thể.
Ở World Cup 2018, EURO 2020, Copa America 2021, Olympic Tokyo 2020, Gold Cup 2021, VAR đã được áp dụng để giải quyết những tình huống nhạy cảm. Đông đảo cổ động viên bóng đá hiện chẳng còn lạ gì với thuật ngữ VAR, nhưng VAR hoạt động cụ thể như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Trên thực tế, VAR chỉ được sử dụng trong một số tình huống nhất định trong một trận đấu. Các tình huống này bao gồm quả đá phạt đền, xác định lỗi, bàn thắng và thẻ đỏ trực tiếp.
Với việc xác định bàn thắng, khi có một đội khiếu kiện về bàn thắng, VAR sẽ được dùng để phát hiện lỗi việt vị, kéo áo và các lỗi khác trong quá trình ghi bàn. Ngay cả khi cầu thủ chỉ việt vị 1 cm, bàn thắng cũng sẽ không được chấp nhận.
Về việc xác định có phạt đền hay không, khu vực trong vòng cấm là nơi VAR hay được sử dụng nhất. Quyết định thổi phạt có thể được trọng tài duy trì hoặc hủy bỏ sau khi tham khảo VAR.
Xung quanh thẻ đỏ trực tiếp, các hành vi bạo lực sẽ bị ngăn chặn bởi VAR. Các trọng tài hoàn toàn có thể thay đổi quyết định từ bỏ qua lỗi, chỉ rút thẻ vàng thành phạt thẻ đỏ trực tiếp với cầu thủ có pha phạm lỗi nguy hiểm. Tuy nhiên VAR, chỉ được áp dụng đối với các tình huống thẻ đỏ trực tiếp, không áp dụng với thẻ vàng thứ 2.
Bên cạnh đó, VAR còn hỗ trợ đắc lực để bản thân trọng tài chính có thể sửa chữa sai lầm của chính họ. Ví dụ như tại World Cup 2006, khi Australia gặp Croatia tại vòng bảng, hậu vệ Josip Simunic của Croatia đã bị phạt 2 thẻ vàng, nhưng trọng tài lại quên rút thẻ đỏ. Anh này cũng "quên" luôn và tiếp tục thi đấu cho đến khi kết thúc trận đấu. Phải đến khi Simunic phàn nàn với trọng tài, anh bị phạt thẻ vàng thứ 3 rồi mới bị rút thẻ đỏ.
Vào năm 2014, trong trận đấu giữa Arsenal và Chelsea, trọng tài đã rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Kieran Gibbs dù trên thực tế, người phạm lỗi và đáng ra phải bị đuổi khỏi sân lại là Oxlade Chamberlain. Nếu có VAR, tình huống tai hại như vậy sẽ không xảy ra.
Ngoài ra, VAR sẽ không được sử dụng trong trường hợp trận đấu đã được tiếp tục. Nếu VAR không phát hiện được sai sót, quả đá phạt, ném biên… nghiễm nhiên được tiếp tục.
Bàn thắng không được xác định bởi VAR với trường trường hợp đội tấn công phạm lỗi trong tình huống dẫn đến bàn thắng. Nhìn chung, với việc sử dụng VAR, trọng tài có thể phạt nguội cầu thủ dù tình huống phạm lỗi đã xảy ra trước đó.
Hệ thống VAR được đặt biệt lập. Tuy vậy, nó có khả năng truy cập vào tất cả các camera được đặt khắp sân. Hệ thống này sẽ đưa ra thông báo tới trọng tài trong trường hợp phát hiện ra lỗi.
VAR vận hành ở các trận đấu theo 3 kịch bản rất phổ biến. Thứ nhất, trọng tài trên sân nhận tín hiệu từ trọng tài video thông qua một chiếc tai nghe. Sau đó, ông sẽ ra hiệu tạm dừng trận đấu và cho các cầu thủ biết rằng có một quyết định đang được xem xét. Nếu nhận định tình huống không có lỗi, trọng tài sẽ cho phép trận đấu được tiếp tục.
Thứ hai, khi sử dụng VAR, trọng tài chính sẽ ra hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật. Các trọng tài video sẽ đánh giá lại tình huống rồi gửi tới trọng tài chính, người sẽ ra quyết định cuối cùng.
Thứ ba, trọng tài video gợi ý trọng tài chính xem lại tình huống bằng một màn hình đặt sát sân bóng. Trọng tài chính sẽ ra dấu hình chữ nhật trước khi đưa ra quyết định của mình.
Trong bất kỳ trường hợp nào, trọng tài chính cũng phải liên tục đưa ra các quyết định. Trọng tài không thể để trận đấu diễn ra trong lúc chờ sự trợ giúp từ VAR. Trước đó, trọng tài phải chờ bóng đến một vị trí trung lập trước khi ra tín hiệu VAR để xem lại tình huống ban đầu.
Tại World Cup 2018, Antoine Griezmann của Pháp trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn ở một VCK Cúp thế giới sau khi có sự hỗ trợ của VAR. Griezmann có bàn thắng từ chấm phạt đền cho Pháp ở trận đấu với Australia tại vòng bảng, sau khi trọng tài tham khảo VAR và xác định cầu thủ Australia phạm lỗi với đối phương trong vòng cấm. Cũng ở giải đấu này, Griezmann ghi 1 bàn thắng nữa từ chấm phạt đền trong trận chung kết giữa Pháp và Croatia nhờ có tác động của VAR.